Tình yêu là tổng hòa của sự hòa hợp, tự nguyện, bất vụ lợi. Thiếu bất cứ thứ nào ở vế sau, tình yêu ấy không hoàn thiện, nếu không muốn nói là giả tạo. Trước khi kết hôn, người ta không bị ràng buộc gì, bất cứ lúc nào cũng có thể "đường ai nấy đi". Sau khi kết hôn, hai người bị ràng buộc bởi pháp lý, mỗi người phải tự nguyện chia sẻ bớt một phần tự do cá nhân. Các nước có dân số già là các nước có kinh tế phát triển cao, hệ thống phúc lợi xã hội tương đối hoàn thiện, tỷ lệ thất nghiệp chỉ dao động xung quanh mức 5%. Số này chỉ gồm khoảng 20 nước trên tổng số gần 200 quốc gia trên thế giới.
Nói dân số thế giới đang già đi và ngày càng nhiều người chọn cách sống độc thân là không đúng. Ở khía cạnh xã hội này, 20 quốc gia giàu không đại diện được cho phần còn lại của thế giới. Những nước giàu có GDP đầu người khoảng 10 nghìn USD trở lên, trong khi phần còn lại của thế giới chỉ từ 1-10 nghìn USD (ở Việt Nam là khoảng 2.500 USD). Không bị áp lực bởi việc làm, bởi cái ăn, chỗ ở, tự nhiên là người ta ngày càng đòi hỏi cao hơn về tự do cá nhân, đặc biệt là những người trẻ có tầm nhìn hạn hẹp.
Đa số bạn trẻ khi trưởng thành, thu nhập mà bạn kiếm được chỉ có thể nuôi sống chính bạn, không có dư, dẫn đến việc bạn ngại lập gia đình và có con cái. Ở tuổi trung niên, thu nhập tương đối cao, bạn mới nghĩ đến chuyện kết hôn, có con. Ở tuổi này, hormone (nội tiết tố) giới tính của bạn (androgen với nam và estrogen với nữ) đã giảm đi đáng kể (sức hút giới tính giảm), tìm được tình yêu là hết sức khó khăn. Nói cách khác, cơ quan sinh dục không được kích hoạt ở lúc mà nội tiết tố đạt đến đỉnh cao thì khi nội tiết tố giảm đi cơ quan này có thể mất đi chức năng vốn có của nó dù bạn không bị mắc bất cứ chứng bệnh gì liên quan đến sinh dục.
Trở lại với tình yêu, trước hôn nhân là lúc mà bạn tìm hiểu đối tượng ở ba yếu tố (hòa hợp, tự nguyện, bất vụ lợi). Khi bạn đã chắc chắn không có sai lầm gì lớn thì tiến đến hôn nhân. Phần lớn các vụ ly hôn phát xuất từ việc một trong hai người phát hiện người kia thiếu hẳn một trong ba yếu tố trên (do bạn tìm hiểu không kỹ hoặc do người kia che giấu kỹ). Thời gian tìm hiểu nhau dài hay ngắn phụ thuộc vào việc bạn muốn lập gia đình sớm hay muộn cũng như mức độ chân thành của bạn với đối tượng.
Tôi lập gia đình năm 28 tuổi và thời gian tìm hiểu chỉ có ba tháng. Trước đó, tất nhiên tôi cũng có vài mối tình "vắt vai" với thời gian tìm hiểu dài hơn, nhưng đã không thành vì đủ thứ nguyên nhân nằm ngoài tầm tay. Những người muốn sống độc thân là những người không muốn chịu đựng đủ thứ áp lực xã hội. Những người này thường là những người vừa ra trường đã kiếm được việc làm ổn định, thu nhập vừa đủ đáp ứng nhu cầu cá nhân, cuộc sống tương đối nhẹ nhàng. Họ cho rằng, cuộc sống "toàn màu hồng" này sẽ không thay đổi đến cuối cuộc đời. Khi người thân ruột thịt của họ lần lượt ra đi để lại lớp con cháu gần như xa lạ, họ sẽ thấm tháp cái cảnh "đồng tiền không mua được tình thân".
Trên khía cạnh xã hội, trẻ em ít đi đồng nghĩa với chó mèo (ở Âu Mỹ) hoặc robot dạng người (ở Nhật Bản) tăng lên vì người già không chịu đựng nổi sự cô đơn. Cách đây vài năm, quốc hội Mỹ tranh cãi kịch liệt bởi một câu hỏi "rất xã hội": "Một người xa lạ và con chó của bạn gặp nạn, bạn sẽ cứu ai trước?". Xã hội Mỹ chưa già đến mức để quyết định "cứu con chó trước". Nhưng, nếu câu hỏi ấy không phải ở Mỹ mà ở một quốc gia có dân số già khác, quyết định ấy hoàn toàn có thể xảy ra. "Tình thân" ở những nước này không còn thuộc về phạm trù đạo đức nữa mà đã nằm hoàn toàn trong phạm trù pháp lý. Tức là, người ta giúp đỡ nhau do họ cảm thấy "có nghĩa vụ" (bị ràng buộc bởi pháp lý) mà không phải là "bổn phận" (sự tự nguyện). Họ tạo ra đủ thứ quỹ phúc lợi xã hội để sẵn sàng cứu giúp ai đó có khó khăn về mặt nào đó mọi lúc mọi nơi mà không cần phải hô hào vận động quyên góp cho từng trường hợp cá biệt.
Lập gia đình thì không thể sống đúng với bản thân? Đó là một sự ngụy biện. Có gia đình người ta mới có động lực để làm gì đó, có lý tưởng để cố gắng vươn tới. Mấy ai độc thân mà giàu có? Lỡ như chẳng may giàu có thì ai sẽ thừa hưởng gia tài ấy khi bạn qua đời?
Có lẽ sẽ giống như ở Anh, một vị đại gia giàu có để di chúc thừa kế gia tài lại cho con mèo của bà ấy. Ít quan hệ xã hội, ít giao lưu tiếp xúc người này người kia thì làm sao tìm được "bạn đời"? Suốt ngày chúi đầu vào smartphone, nhắn tin nhảm nhí trên mạng làm sao tìm được "nửa kia"? Xã giao quan hệ làm ăn, người ta thấy bạn có uy tín, có lý, có tình, họ mới "làm mối" cho bạn, chứ ai dám giới thiệu cho người lông bông, tuổi thì lớn nhưng suy nghĩ lại chưa đủ "lớn"?
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Văn minh không ăn thịt chó' của phương Tây
>> 'Mua bảo hiểm để tiết kiệm là sai lầm'
>> Tôi 'tán gẫu' vẫn tuyển dụng được nhân viên chất lượng cao
Người xưa xem thi đậu là đại đăng khoa, lập gia đình là tiểu đăng khoa. Tạo lập sự nghiệp là một cuộc phiêu lưu lớn, lập gia đình là một cuộc phiêu lưu nhỏ. Nhỏ không dám làm, lớn sao có gan làm? Muốn sống đúng với bản thân, nhất định phải có tài chính đi kèm, trừ phi bạn muốn sống theo kiểu tối giản. Gia đình là bệ phóng cho những cuộc phiêu lưu của bạn đồng thời là nơi để bạn đứng lên nếu chẳng may vấp ngã.
Không gia đình, không có ai chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, hạnh phúc, đau khổ,... không có ai khuyến khích, hậu thuẫn khi bạn đi đúng hướng, không có ai an ủi, động viên khi bạn vấp ngã, thật khó mà tưởng tượng được mấy người này sẽ sống như thế nào? Tóm lại, người theo chủ nghĩa độc thân là những người bị chi phối bởi vật chất, xem nhẹ yếu tố tinh thần. Khi họ còn trẻ khỏe, họ có thể xem nhẹ, nhưng khi họ lớn tuổi sẽ thấy nuối tiếc.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.