Thời trẻ, người phụ nữ 70 tuổi này cũng làm đủ nghề, từ giúp việc tới bán trái cây nhưng khoảng 10 năm trước, khi sức khỏe đã yếu, không ai thuê nữa bà mới bắt đầu xoay qua mở quán bán ốc và hột vịt lộn.
Tiếng là mở quán nhưng bà Cù Lài không có tiền thuê mặt bằng cố định nên thời gian đầu chủ yếu đi rong quanh chợ Bến Thành. Với hai chiếc giỏ xách đựng ốc, trứng trên tay, một đêm bán hàng của bà chưa bao giờ kiếm được quá 100 nghìn đồng bởi nhiều khi khách muốn ăn cũng không biết kiếm bà ở đâu.
Nhưng đôi chân cũng yếu dần, nên bà không thể tiếp tục bán dạo. Thấy cứ sau khoảng 11 giờ đêm, các cửa hàng đều đóng cửa để lại mặt bằng trên vỉa hè rộng rãi, bà quyết định chuyển hẳn sang ngồi bán cố định vào đêm khuya.
Ban đầu, bà Lài chọn những chỗ gần cột đèn đường, có mái hiên rộng để tránh sương đêm hay những cơn mưa bất chợt. Tuy nhiên, vì bán đến 4 giờ sáng, sức yếu, đi lại chậm chạp nên bà không kịp dọn sạch vỉa hè trước giờ cửa hàng của người ta nên cứ bán được vài buổi bà lại bị đuổi. Ba năm qua, trên những con đường xung quanh chợ Bến Thành này, bà Lài không nhớ mình từng ngồi bao nhiêu chỗ.
Một năm nay, bà tìm được một địa điểm phù hợp ở số 226 đường Lê Thánh Tôn. "Cửa hàng này 9 giờ sáng mới mở cửa, tôi làm chậm lắm cũng 7 giờ là xong rồi nên không bị người ta la", bà chia sẻ.
Bán hàng vào giờ "hổng giống ai" nhưng người phụ nữ không chồng con này lại có một lượng khách quen khá đông. Điểm đặc biệt là hầu hết khách hàng đều hiểu hoàn cảnh nên chẳng bao giờ ngồi đợi được phục vụ, toàn chủ động xúm vào tự nấu, tự ăn, tự trả tiền.
Chị Ngọc Anh, 34 tuổi, ở quận 5 là một vị khách quen của bà Lài khoảng nửa năm nay cho biết: "Thỉnh thoảng đi chơi về khuya, mình hay rủ bạn đến ăn ủng hộ. Vào hàng của bà tụi mình thường xúm vào cùng nhau chế biến". Sau khi ăn xong, nhóm bạn của chị Anh cũng tự gom vỏ ốc bỏ vào bao rác, dọn sạch chỗ của mình. Hai bạn nam đi cùng còn xung phong cầm can đến cây xăng cách đó khoảng 100 mét xin nước máy cho bà bà rồi mới ra về.
Có lần, một vị khách đến ăn rồi tặng bà một số tiền đi xe ôm đến chợ đầu mối hải sản Bình Điền để mua nguyên liệu với giá rẻ hơn. Hôm đó, bà Lài lật đật dọn hàng để đi cho kịp chợ nhưng đến nơi người bán yêu cầu phải mua mỗi loại ít nhất 5 ký mới được giá sỉ. "Mỗi đêm tui bán mỗi loại có một hai ký. Mà mua như thế thì giá cũng mắc như vựa gần nhà. Biết người ta thương mình nhưng tôi chỉ đi lần đó rồi thôi", bà kể.
Bà Lài không dám bán những món ốc "nặng vốn" như ốc hương, sò huyết vì sợ ế, phải đổ đi thì lỗ nên chỉ bán vài món ốc rẻ tiền, ít vốn như ốc bươu, ốc cà na hay nghêu, chế biến những món đơn giản.
Được nhiều khách hàng giúp đỡ nhưng bởi bán đêm khuya, không ít lần bà thối nhầm tiền vì buồn ngủ. Cũng có những nhóm khách xấu tính, ăn 5 món nhưng lợi dụng lúc đông người chỉ gọi bà tính tiền 3 món. "Hôm nào mà bị vậy coi như hết lãi", bà cười móm mém.
Mỗi ngày, sau bữa trưa, bà đi chợ gần nhà mua nguyên liệu rồi sơ chế. Đúng 11 giờ đêm thì thuê xe ôm chở đến điểm bán. Ghế ngồi hay lò than bà gửi lại ở một nhà dân gần đó.
"Bán đêm nên hay mệt mỏi, buổi sáng về có khi không ăn sáng mà ngủ luôn, có khi nằm xuống đầu óc lại quay quay không ngủ được. Nhưng tôi chỉ nghỉ hôm rằm và mùng 1 thôi, có bán thì mới có tiền ăn. Sợ nhất là già 'nằm xuống' không ai lo", người phụ nữ cho hay.
Anh Lê Văn Công, một công nhân vệ sinh môi trường ở khu vực quận 1 kể: "Có mấy lần trời mưa đêm, nước trên xối cao chảy xuống làm bà cụ ướt nhem trông thương lắm. Cũng may mà những ngày tạnh ráo lại có nhiều bạn trẻ đến ăn ủng hộ".
11 giờ đêm một ngày giữa tháng 4, bà Lài lại chậm rãi dọn hàng như thường lệ. Ít phút sau, hai vị khách nữ đầu tiên đến, cất tiếng chào rồi chẳng ai bảo ai, hai cô tự lấy ghế, xắn tay áo, người phụ bà quạt than, đặt ốc lên nướng, người cho nghêu vào nồi hấp sả. Họ tự chế biến rồi cùng thưởng thức ngay trên vỉa hè dưới ánh đèn đường vàng đục.
"Cũng may có tụi nhỏ đến ăn rồi phụ làm chứ một mình tôi làm không xuể", bà nói.
Hơn 5 giờ sáng, sau hơn một tiếng không có vị khách nào ghé vào, bà Lài lục tục dọn hàng. Gom những con ốc còn dư vào túi, dỡ than, bà lau sạch bếp gas. Xếp xong chồng chén muỗng, bà định đứng dậy những không nhấc nổi người, phải ghì mạnh hai tay vào đầu gối lấy sức.
Gần đây, bà thường bị tê chân, đi lại chậm chạp hơn nhưng bà không đi khám bệnh. "Tôi sợ lòi ra bệnh nên sợ lắm, có bệnh rước lo lắng vào người cũng mệt", người đàn bà phân trần.
Xỏ tay vào túi áo lấy viên thuốc giảm đau uống ngụm nước nuốt ực, bà tiếp tục dọn dẹp khi đường phố bắt đầu có những người đi bộ thể dục.
Diệp Phan