Sáng 27/4/1987, một ông lão tập thể dục buổi sáng tìm thấy bao tải dứa bên sông Cẩm Giang, huyện Ma Dương. Tò mò mở ra xem, ông phát hiện một chiếc chân người. Cảnh sát nhanh chóng đến hiện trường và tìm ra sáu phần thi thể phụ nữ ở những nơi khác nhau bên sông.
Trong quá trình điều tra những người mất tích, cảnh sát phát hiện Thạch Tiểu Vinh, từng làm nhân viên phục vụ tại khách sạn ở huyện Ma Dương, đã mất tích một cách kỳ lạ. Tiểu Vinh, 18 tuổi, đến từ huyện Tùng Đào, tỉnh Quý Châu. Tết Nguyên đán năm 1987, cô đến Ma Dương làm phục vụ nhưng mất liên lạc với gia đình không lâu sau đó.
Cảnh sát tìm đến quê nhà của Tiểu Vinh ở Quý Châu. Nghe mô tả về thi thể bị phân hủy, chị gái thứ tư của Tiểu Vinh cảm thấy kiểu tóc và dáng người rất giống em gái. Khi được yêu cầu nhận dạng tượng thạch cao tạo ra dựa trên việc phục hồi xương của tử thi, cô thấy răng của tượng hơi thưa giống răng của Tiểu Vinh. Cộng thêm nhóm máu trùng khớp, cảnh sát xác định Thạch Tiểu Vinh là nạn nhân.
Tiểu Vinh từng tiếp xúc với rất nhiều người ở Ma Dương. Vì thủ pháp phân xác khá chuyên nghiệp, cảnh sát tập trung điều tra nghi phạm là bác sĩ và đồ tể. Không lâu sau, Đằng Hưng Thiện, một người giết mổ gia súc ở thôn Mã Lan, lọt vào tầm ngắm của cảnh sát vì có người báo cáo anh ta từng đến khách sạn nơi Tiểu Vinh làm việc để mua dâm.
Ngày 6/12/1987, Thiện bị cảnh sát bắt khi đang ở sạp bán thịt.
Ở trại tạm giam, Thiện một mực phủ nhận giết người. Nhưng vài tháng sau, anh ta "nhận tội". Theo lời kể của Trần Công Lương, người bị giam cùng phòng với Thiện, ngày hôm đó, Thiện khập khiễng trở lại nhà tù, xoa tay chân bầm tím và nói: "Họ trị tôi như thế này, lần lượt thẩm vấn, đánh đập mắng chửi, không cho ngủ, ai chịu được chứ? Tôi không chịu được nữa, đành phải thừa nhận tôi đã giết người". Nói xong, Thiện ngửa mặt khóc lớn. Lương an ủi: "Đừng lo lắng, chính quyền sẽ không vu oan người tốt đâu". Thiện kêu lên: "Anh phạm tội đánh bạc, nhốt mấy ngày là có thể ra ngoài, còn tội của tôi là tội mất đầu đấy. Tôi còn vợ con nữa".
Sau khi ngoan ngoãn "nhận tội", cảnh sát đưa Thiện đi "xác định hiện trường". Thiện đành đưa cảnh sát đến nhà để tranh thủ gặp vợ con. Nhìn thấy vợ con, Thiện gượng cười nói với họ: "Anh không giết người. Chính quyền sẽ không để anh bị oan". Cảnh sát chụp ảnh anh ta và yêu cầu giao nộp hung khí. Thiện chỉ ra một cái rìu ở nhà em trai.
Ngày 26/10/1988, Thiện bị truy tố và bị kết án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm vào 13/12 năm đó.
Bản án hình sự lưu giữ tại TAND trung cấp thành phố Hoài Hóa năm 1988 ghi: "Một đêm cuối tháng 4/1987, sau khi Thiện thân mật với Thạch Tiểu Vinh, một phụ nữ trẻ gốc Quý Châu có quan hệ mờ ám với bị cáo, thì phát hiện bị mất tiền. Bị cáo nghi ngờ Vinh ăn trộm liền đuổi theo Vinh đến Mã Lan Châu. Vinh giằng co kêu cứu, bị cáo làm Vinh ngạt thở chết...".
Sau khi Thiện bị bắt, vợ anh ta tìm luật sư giúp trả lại sự trong sạch cho chồng. Luật sư Đằng Dã, 55 tuổi, là chú của Thiện, ban đầu không muốn nhận vụ án này vì cảm thấy thằng cháu làm ô nhục tổ tiên. Nhưng khi thấy vợ Thiện quỳ xuống đảm bảo chồng mình bị oan, ông đồng ý giúp đỡ.
Càng đi sâu điều tra, luật sư Đằng càng thấy vụ án có nhiều điểm đáng ngờ. Theo lời khai của Thiện, anh ta đã bịt mũi miệng nạn nhân. Nhưng báo cáo khám nghiệm tử thi của cảnh sát Hoài Hóa cho thấy nạn nhân bị gãy xương gò má. Rõ ràng nạn nhân bị một vật cùn đập vào mới có thể khiến xương gò má bị gãy, nếu dùng tay bịt mũi miệng thì không thể làm gãy xương.
Thiện còn khai đã dùng rìu, sau đó giấu ở tầng trên nhà em trai. Nhưng vào ngày 13/5/1988, giấy chứng nhận giám định vật chứng pháp y kết luận: "Không thấy máu người ở những vết tích khả nghi trên chiếc rìu". Như vậy chiếc rìu này không thể được xác định là công cụ gây án của Thiện.
Đồng thời, ngày 23/1/1988, giấy chứng nhận giám định do Viện nghiên cứu thuộc Sở Công an huyện Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh cấp kết luận rằng hình ảnh sọ não của nạn nhân trong vụ án ở Ma Dương có một số bộ phận không khớp với ảnh chụp Thạch Tiểu Vinh.
Luật sư Đằng đã đến trạm thủy văn Hồ Nam để điều tra và được cấp giấy chứng nhận: Cuối tháng 4/1987, Ma Dương mưa lớn, nước sông Tấn Giang dâng cao. Con đường duy nhất có thể đi qua khi nước cạn từ thôn Mã Lan, nơi Đằng Hưng Thiện sinh sống, đến nơi phát hiện thi thể, lúc này đã hoàn toàn ngập trong nước lũ.
Theo điều tra viên, Thiện đuổi theo Vinh đến Mã Lan Châu, gây án tại đây. Do vậy chỉ có hai khả năng là Vinh bơi trong nước lũ đến Mã Lan Châu, Thiện lấy hung khí rồi cũng bơi theo đến đó để giết người; hoặc cả hai đều thuê thuyền đến Mã Lan Châu. Nhưng quá trình gây án như vậy là hoàn toàn không thể xảy ra.
Điểm đáng ngờ rõ ràng nhất trong vụ án là ở vùng thượng lưu Mã Lan Châu, nhiều người lái đò báo cáo rằng từng nhìn thấy những phần thi thể phụ nữ. Theo lẽ thường, vật thể sẽ trôi theo dòng từ thượng nguồn về hạ lưu. Cảnh sát xác định Thiện giết người, ném xác ở Mã Lan Châu, như vậy thi thể không thể trôi ngược lên thượng lưu.
Luật sư Đằng đến cục cảnh sát, lần lượt trình bày sáu điểm đáng ngờ này nhưng bị bị bác bỏ. Tin tức Thiện bị oan nhanh chóng lan truyền khắp thôn, một số người tự nguyện ký tên lên đơn kiến nghị yêu cầu tái điều tra. Tuy nhiên, những lời kêu oan không được đáp lại.
Ngày 28/1/1989, Thiện bị đưa đến pháp trường xử bắn. Lời cuối trước khi chết, Thiện vẫn một mực kêu oan.
Đến năm 1992, gia đình họ Thạch bỗng nhận được bức thư từ Sơn Đông, do Tiểu Vinh gửi về nhưng chỉ viết vài chữ ngắn ngủi vì cô không được đi học. Dựa theo địa chỉ trên thư, gia đình cử người đến Sơn Đông tìm Tiểu Vinh nhưng không tìm thấy. Giữa năm 1993, Tiểu Vinh đột ngột trở về Quý Châu. Cô kể, cuối tháng 3/1987, cô bị bọn buôn người lừa bán làm vợ một nông dân ở Sơn Đông. Năm 1992, sau khi sinh một trai một gái, cô mới có thể liên lạc với người thân. Sau khi về nhà, Tiểu Vinh vô cùng kinh ngạc khi nghe nói về án oan của Thiện.
6 năm trước, Tiểu Vinh làm phục vụ trong khách sạn, mới làm được hơn hai tháng thì mất tích. Thiện từng đến khách sạn một lần, nhưng khi ấy Tiểu Vinh đã biến mất gần một tháng nên không thể quen biết Thiện.
Tiểu Vinh xác nhận không quen biết Thiện và yêu cầu tòa án địa phương hủy bỏ phán quyết sai lầm rằng cô và Thiện "có quan hệ mờ ám", đồng thời bồi thường thiệt hại danh dự. Tuy nhiên, Tiểu Vinh không nhận được bất cứ phản hồi nào.
Tiểu Vinh do bị cơ quan công an địa phương xác nhận "đã chết" trong hộ khẩu nên khi trở về, cô phải làm lại chứng minh thư, hộ khẩu, đổi tên thành Thạch Hiểu Vinh.
Nhiều năm trôi qua, không ai đứng ra làm rõ oan khuất cho Thiện. Chỉ có gia đình Thiện phải chịu nỗi khổ bị kỳ thị. Hai con của Thiện, Đằng Yến và Đằng Huy, bị bạn bè ở trường bắt nạt, mắng chửi bố chúng là kẻ sát nhân. Năm 1998, Đằng Yến xin mẹ nghỉ học để đi làm vì nhà quá nghèo. Cô đến Chu Hải làm tạp vụ trong một xưởng sản xuất túi. Nhưng chưa được bao lâu, Đằng Yến bị đuổi vì là con gái của kẻ giết người. Trong vài năm sống ở Chu Hải, cô phải tìm việc nhiều nơi, chịu nhiều đãi ngộ bất công.
Năm 2004, Đằng Yến trở về quê hương đón năm mới. Lúc này mẹ mới nói cho cô biết Tiểu Vinh chưa chết, bố cô bị oan. Nhiều năm qua, bà không nói vì hai con còn nhỏ, gia đình cũng không có tiền, sợ kiện cáo với chính quyền.
Sau Tết, Đằng Yến lập tức tìm luật sư để giải oan cho bố. Sau khi nhận được đơn khiếu nại từ hai chị em, TAND cấp cao tỉnh Hồ Nam đã thành lập tổ chuyên án vào tháng 7/2005. Tháng 9 cùng năm, những người liên quan vụ án bị tạm giữ.
Ngày 18/1/2006, TAND cấp cao tỉnh Hồ Nam ra phán quyết tái thẩm với tội cố ý giết người của Thiện, tuyên bị cáo vô tội. Hai chị em Đằng Yến, Đằng Huy được bồi thường 660.000 nhân dân tệ.
Thiện đã được xóa tội, nhưng vụ án thi thể bên bờ sông Cẩm Giang còn chưa được phá giải. Do hướng điều tra sai lầm khi ấy đã làm lỡ thời gian điều tra tốt nhất, đến nay vẫn không rõ thi thể đó là ai, kẻ sát nhân là ai.
Tuệ Anh (Theo 163, Sohu)