Ngày 17/12/1974, một nhân viên vệ sinh phát hiện thi thể nhiều thương tích của cô gái trong thùng đựng tivi vứt bên vệ đường gần khu chung cư cao cấp "Thung lũng hạnh phúc" ở Hong Kong.
Kết quả xét nghiệm ADN xác định nạn nhân là Ca Ngọc Anh, 16 tuổi, đến từ Quảng Châu, học tập tại lớp học buổi tối gần nơi tìm thấy thi thể. Ngọc Anh bị siết cổ nhưng không bị xâm hại tình dục.
Chiếc thùng còn khá nguyên vẹn, không có dấu hiệu bị kéo lê quãng đường dài, vậy có thể khẳng định địa điểm gây án không quá xa nơi phát hiện. Một bạn học của Ngọc Anh, tên Trần Bành Bành, khai có hẹn với nạn nhân vào 18h ngày 16/12. Nhưng không thấy cô, Bành đã về nhà ngay.
Hơn 800 người được lấy lời khai nhưng không có một manh mối khả quan. Các bạn học của Ngọc Anh đều nói cô rất thích đồ ngọt, nhất là kem, sau giờ học thường đi ăn kem. Các tiệm kem gần đó được khoanh vùng điều tra, một trong số đó là tiệm An Mỹ. Toàn bộ bạn học xác nhận đây là tiệm kem yêu thích của nạn nhân.
Cảnh sát cải trang làm người mua hàng để điều tra bên trong tiệm kem này, phát hiện bên trong có nhiều thùng carton cùng loại với chiếc thùng giấu thi thể. Một vài đoạn dây điện và giấy vụn xuất hiện bên trong cửa hàng cũng trùng khớp với loại có trong tóc nạn nhân. Cảnh sát nhận định, tiệm kem An Mỹ có khả năng là hiện trường đầu tiên của vụ giết người.
Rà soát nhân viên, họ phát hiện vào đêm xảy ra vụ án, tại tiệm kem chỉ có nhân viên duy nhất làm việc là Âu Dương Bình Cường, 26 tuổi.
Cảnh sát thấy 269 sợi vải trên người nạn nhân, trong đó có 7 sợi khớp với vải trên bộ đồ của Cường. Thêm vào đó, trên cổ tay trái và lưng của nạn nhân cũng phát hiện nhiều sợi giấy vụn - cùng loại giấy có trong nhà xưởng phía sau quán kem. Những năm 1970, trong hoàn cảnh không có nhân chứng, chứng cứ tìm hiện trường và trên cơ thể nạn nhân là những thứ duy nhất giúp cảnh sát xác định thủ phạm.
Ngày 27/3/1975, sau quá trình thu thập chứng cứ, Cường bị bắt nhưng chỉ thừa nhận từng tiếp xúc với nạn nhân, khẳng định không sát hại. Các đặc vụ đã sử dụng nhiều hình thức lấy cung, thậm chí giả làm nạn nhân "hiện về". Song từ đầu đến cuối, Cường chỉ nói một câu: "Tôi không giết người".
Tuy các sợi vải thu được trên thi thể cùng loại với kiểu quần áo của Cường nhưng rất có khả năng chúng đã có sẵn trên người nạn nhân từ trước. Trên thùng carton cũng không có dấu vân tay của nghi phạm. Tại tiệm kem An Mỹ cũng không xuất hiện dấu vân tay của nạn nhân.
Các chứng cứ thu thập của phía cảnh sát khá mơ hồ, không đủ thuyết phục để định tội Cường. Anh ta và vợ mới cưới có cuộc sống hạnh phúc. Nghi phạm và Ngọc Anh cũng không quen biết nhau nên cảnh sát không thể tìm ra động cơ gây án.
Dù vậy, Cường vẫn bị buộc tội, nhận án tử hình ngày 4/11/1975. Đây là vụ án đầu tiên trong lịch sử tư pháp Hong Kong hung thủ bị kết tội khi không có nhân chứng, chỉ dựa trên kết quả của pháp y.
Sau bản án, bị cáo và vợ không ngừng kháng cáo. Vợ Cường thuê một luật sư nổi tiếng cho chồng. Tuy nhiên, bản án tử hình vẫn được giữ nguyên. Bản án này đã gây ra tranh cãi lớn ở Hồng Kông lúc bấy giờ và nhiều người cho rằng Cường đã bị xử oan.
Mọi nỗ lực kháng cáo không thành công, luật sư biện hộ còn khuyên nhận tội ngộ sát để hưởng khoan hồng nhưng Cường một mực khẳng định bản thân trong sạch.
Ngày 9/2/1977, vì vụ án gây ra làn sóng tranh cãi quá lớn, Thống đốc Hồng Kông kết hợp với Cục hành chính đã ra quyết định ân xá cho Cường, miễn tội chết, đổi thành chung thân.
Những năm tháng trong tù, Cường luôn là tù nhân gương mẫu. Dồn hết sức lực để học tập và đạt được nhiều bằng cấp. Tuy cải tạo tốt, nhưng vẫn giữ nguyên thái độ cương quyết không nhận tội, Cường được tự do sau 28 năm.
Người vợ quá mệt mỏi sau thời gian dài đấu tranh cho chồng, đ ly hôn và đem con gái đến nơi khác sinh sống vào năm 1981.
Ngày ra tù, ông đối diện với cuộc sống mới cô độc nhưng tâm thế lạc quan. Bình tĩnh trả lời báo chí về vụ việc năm xưa, ông nói: "Vụ án đã kết thúc, tôi không muốn nhắc lại. Chuyện quá khứ không thể thay đổi được, chỉ mong xã hội mở lòng vị tha để tôi làm lại cuộc đời."
Sau này, ông Cường tái hôn với nhà văn Tinh Tinh. Bà đã dùng câu chuyện của chồng mình và nhiều vụ án kinh điển khác viết nên tiểu thuyết Những người nguy hiểm được công chúng đón nhận. Vụ án thiếu nữ trong thùng carton năm xưa cũng được nhiều nhà làm phim khai thác.
Từ sau khi Hong Kong quyết định không điều tra các hoạt động sai trái của cảnh sát từ trước ngày 1/1/1977, những uẩn khúc trong vụ án mạng của Ngọc Anh cũng theo đó mà chôn sâu, vĩnh viễn không có ai có thể tìm ra sự thật.
Hoàng Phong (Theo SCMP, Time Out)