Timothy Evans có chỉ số IQ ở ngưỡng kém phát triển và mắc chứng bệnh lao xương, kết hôn với Beryl Thorley ngày 20/9/1947 sau tiếng sét ái tình trong bữa tiệc. Cặp vợ chồng trẻ sống tại căn hộ trên cùng của tòa Rillington ở Notting Hill.
Tháng 10/1948, những rạn nứt bắt đầu xuất hiện. Các cuộc tranh cãi và thậm chí có cả bạo lực đã trở thành một phần trong cuộc sống vợ chồng họ. Trong khi Timothy chán nản với người vợ suốt ngày ngồi nhà và yêu cầu tiền bạc mà không chăm chút cho nhà cửa, Beryl thất vọng khi chồng nghiện rượu, không thể cho cô cuộc sống đầy đủ như hứa hẹn khi mới gặp.
Cuối năm 1949, Beryl thông báo mang bầu con thứ hai, do tình hình tài chính eo hẹp nên sẽ phá thai. Thời đó, đây là hành vi bất hợp pháp. Timothy ban đầu không đồng ý, tranh cãi nhưng sau đành chấp nhận.
Ngày 30/11/1949, Timothy báo cảnh sát rằng vợ chết trong hoàn cảnh bí ẩn. Nhưng mỗi lần thẩm vấn, Timothy lại kể nội dung khác nhau khiến cảnh sát nghi ngờ.
Lúc đầu, Timothy thú nhận đã pha chế thuốc phá thai cho vợ uống và vô tình khiến cô thiệt mạng. Anh ta vì thế phi tang ở cống cần đó. Nhưng cảnh sát khám xét khu vực này không tìm thấy dấu vết gì.
Khi bị thẩm vấn lại, Timothy thay đổi câu chuyện, nói John Christie, người hàng xóm tầng dưới, đã đề nghị phá thai cho Beryl. Timothy giải thích không khai ra John trong cuộc thẩm vấn đầu tiên là để bảo vệ anh này.
Timothy cho biết ban đầu vợ chồng đều cân nhắc nhưng sau đó chấp nhận lời đề nghị của John. Hôm 8/11, Timothy đi làm về và được John thông báo đã thực hiện không thành công. Beryl đã chết. John nói sẽ vứt xác và khuyên Timothy nên rời London trong thời gian chờ đợi.
Bị cảnh sát thẩm vấn, John mực phủ nhận và cho rằng Timothy nói dối để che đậy tội ác.
Trong khi mọi việc chưa ngã ngũ, một cảnh sát tìm thấy xác của Beryl bọc trong chiếc khăn trải bàn tại nhà vệ sinh phía sau ngôi nhà số 10 Rillington, bên cạnh là thi thể con gái lớn. Cả hai bị siết cổ.
Những người hàng xóm cho biết, Timothy nghiện rượu và thường xuyên đánh đập vợ, còn John sống kín tiếng và sống thân thiện. Cảnh sát càng có niềm tin Timothy là hung thủ.
Bất ngờ hơn, trong cơn hoảng loạn và căng thẳng cực độ, Timothy đã nhận tội. Cảnh sát ngay lập tức bắt anh ta.
Tuy nhiên, trong phiên tòa, anh kêu oan và nói rằng John mới là thủ phạm. Đối chất, John liên tục phủ nhận. Dù có tiền sử phạm tội, John không bị coi là nghi phạm. Việc từng phục vụ trong lực lượng cảnh sát khiến bồi thẩm đoàn cảm thấy lời khai của anh ta đáng tin cậy.
Phiên tòa diễn ra trong 40 phút mà không có nhân chứng hay bằng chứng pháp y chứng minh Timothy giết vợ con. Tòa cũng bỏ qua luôn việc bị cáo có chỉ số IQ ở ngưỡng kém phát triển về trí tuệ và mắc chứng hoang tưởng.
Ngày 9/3/1950, Timothy bị treo cổ ở nhà tù Pentomnville. Vụ án oan của Timothy là một trong những bê bối công lý tồi tệ nhất ở nước Anh thế kỷ 20.
Ba năm sau, John chuyển nhà, vợ anh biến mất với lá đơn ly hôn. Chủ toà nhà cho cặp vợ chồng trẻ thuê lại căn phòng của John ở tòa nhà Rillington. Khách muốn sửa sang lại đôi chút nên phá bỏ vài thứ.
Trong khi sửa chữa, những mảng tường cũ bong ra, họ phát hiện ba bộ thi thể giấu trong đó. Cảnh sát sau đó tìm thấy ba thi thể thấy dưới sàn.
Trong 6 thi thể, có người vợ đột ngột biến mất của John.
John ngay lập tức bị bắt, thừa nhận đã gây án trong năm, 1943-1953, thường làm các nạn nhân bất tỉnh bằng khí gas trong nhà.
Trong thời gian làm cảnh sát, hắn thực hiện vụ đầu tiên vào năm 1943 và nạn nhân đầu tiên là cô gái hành nghề mại dâm. Hắn được cho là đã dụ các nạn nhân đến nhà bằng cách vờ làm người chuyên phá thai.
Ngày 22/6/1953, John bị xét xử tại cùng tòa án đã xét xử Timothy ba năm trước. Hắn thú nhận sát hại vợ con Timothy, và bị hành quyết ngày 15/7/1953.
Năm 1966, sau hai lần điều tra chính thức, lệnh ân xá của hoàng gia với Timothy được ban hành. Năm 2003, em gái cùng cha khác mẹ của Timothy nhận được tiền bồi thường vì những sai lầm năm xưa của nhà chức trách.
Vụ án oan của Timothy cùng với một số sự việc sai sót khác đã trở thành lý do buộc Anh bãi bỏ án tử hình với tội giết người.
Hoàng Phong (Theo WalesOnline, Medium, Express, The Guardian)