Mấy ngày nay, người ta đang tranh luận gay gắt xung quanh vụ việc "Nam sinh lớp 9 bị cha của bạn đánh nhập viện" chỉ vì một hiểu nhầm giữa hai đứa trẻ. Thật khó tin chỉ vì yêu cầu được xin lỗi sau khi bị đổ oan ăn trộm máy tính bỏ túi, mà nam sinh bị cha đẻ của bạn đánh tới mức tổn thương nội sọ. Hành vi của người đàn ông trong vụ việc trên chắc chắn là không thể chấp nhận được và sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng.
Ở đây, tôi muốn đề cập tới một khía cạnh văn hóa xin lỗi. Trong một lần đi du lịch Hàn Quốc, tôi có ghé vào khu vui chơi của họ. Tại đây, tôi vô tình tôi bắt gặp hai ông bố dắt tay hai đứa bé tầm 6 tuổi đi bộ ngược chiều nhau. Lúc này, con của một người đàn ông này vô tình giẫm vào chân của con người kia khiến đứa bé kêu lên đau đớn. Khi đó, tôi thấy cha của đứa bé vừa bị giẫm chân (bị hại) lập tức quay lại, vừa xoa dịu con mình, vừa cúi đầu xin lỗi cha con đứa bé kia.
Các bạn có thấy ngược đời không khi người bị hại lại xin lỗi người vừa khiến mình đau? Chứng kiến cảnh tượng lạ lùng ấy, trong đầu tôi có nhiều suy nghĩ về văn hóa ứng xử của người Hàn Quốc. Ai nấy cũng đều lịch sự, văn minh, tôn trọng người đối diện dẫu cho đó là những người hoàn toàn xa lạ.
>> 'Hằn học với những đứa trẻ hư'
Với suy nghĩ thông thường mà tôi biết, có lẽ cha của đứa bé bị giẫm chân kia sẽ yêu cầu được xin lỗi hoặc tệ hơn là còn to tiếng, văn tục, thậm chí ẩu đả. Không khéo từ một hành động không may của đứa nhỏ mà hai người đàn ông lại lao vào đánh nhau không khoan nhượng cũng nên.
Chúng ta thường xem con mình là nhất, là đúng trong mọi trường hợp... thế nên cha mẹ, người lớn luôn tìm cách bảo vệ con em mình một cách tuyệt đối, đôi khi là bất chấp đúng sai. Thành ra rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra giống như người cha chặn đánh bạn học của con ở trên.
Con tôi cũng vậy, cứ mỗi nghe cô giáo mắng vốn con mình là tôi xin lỗi cô trước đã. Hay con lỡ va chạm với bạn nào trong lớp là tôi cũng gọi điện cho phụ huynh em đó ngay để xin lỗi, mặc dù về nhà hỏi thì con khẳng định lỗi tại bạn đó. Tôi luôn nghĩ rằng, vì mình dạy con không được khiến con nghịch ngợm hay đánh bạn, thì đó là lỗi của mình trước tiên, nếu sau đó nếu xác định bạn của con sai thì có thể báo cô giáo xử lý sau.
Quay trở lại vụ việc người cha đánh bạn học của con nhập viện, tôi tự hỏi, nếu sau này đứa bé bị đánh kia lớn lên, ôm mối thù hận trong lòng rồi suy nghĩ và hành động tiêu cực thì mọi chuyện sẽ đi xa đến đâu? Ai cũng có thể sai, nhưng bạo lực không bao giờ là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề. Chúng ta nên học cách xin lỗi trong mọi hoàn cảnh và luôn mang trong mình một tâm niệm "một điều nhịn là chín điều lành".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.