Vụ việc một nữ sinh lớp 6, trường THCS Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội bị hai nữ sinh khác đánh hội đồng liên tiếp vào mặt và đầu vào trưa 18/8, trước sự chứng kiến của nhiều bạn học, đang gây tranh cãi cộng đồng. Trường THCS Biên Giang sau đó đã mời ba học sinh và gia đình đã tới làm việc, viết tường trình và tham gia hòa giải vào sáng 19/8 tuy nhiên không nhận được sự đồng tình của gia đình nạn nhân.
Xung quanh câu chuyện này, độc giả Tuân cho rằng hòa giải không phải là giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường: "Nhân văn nhưng không có nghĩa là cái gì nhà trường cũng 'mời các gia đình liên quan lên viết bản tường trình, hòa giải'. Tại sao nạn nhân bị đánh, bị hành hạ và lăng nhục (không cần biết có mắc lỗi hay không) mà nhà trường chỉ hòa giải? Tại sao không nhờ bên công an vào cuộc ngay từ đầu nếu có hành vi bạo hành? Cuối cùng, có lẽ chúng ta nên có quy định hình phạt nặng hơn như phạt lao động công ích, vào trường giáo dưỡng, đối với những đứa trẻ quá côn đồ như thế này".
Đồng quan điểm, bạn đọc Vinh bức xúc: "Tôi mà có con bị đánh, cũng sẽ không chấp nhận hòa giải. Vì như thế không công bằng cho con của tôi. Nhà trường kiểu gì cũng muốn hòa giải để không làm lớn chuyện. Nhưng làm vậy, liệu những đứa đánh con tôi có biết hối lỗi? Vì chúng đâu có phải nhận lại hình thức phạt xứng đáng? Có khi chúng vẫn sẽ tiếp tục trêu tức, hạ nhục con tôi sau này. Mong công an vào cuộc những trường hợp bạo hành học đường thế này để các con mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
"Không thể chấp nhận hòa giải vì bất cứ lý do gì. Bạo lực học đường kiểu chia phe phái giang hồ như thế này cần thiết phải có chế tài tăng nặng hình phạt, chứ không nhất thiết phải căn cứ tuổi để đưa ra những án phạt không đủ sức răn đe. Đây là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm, tác động đến sang chấn tâm lý cho nạn nhân một cách ghê gớm, cần phải bị xử lý nghiêm và dứt điểm", độc giả Thưởng Minh bổ sung thêm.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử phạt nghiêm khắc để răn đe học sinh côn đồ, bạn đọc Hạ Long cho rằng: "Tôi ủng hộ công an vào làm việc. Những học sinh ăn chơi, lười học, du côn, hỗn láo rất khó thay đổi tính nết, do đó nên cho chuyển sang môi trường phù hợp. Thời đi học, tôi từng sống trong môi trường bạo lực học đường như thế này nên rất hiểu sự kinh khủng của nó. Một học sinh du côn giống như ung nhọt, không những ảnh hưởng đến em học sinh bị bạo hành, mà còn có thể lôi kéo nhiều em khác sa ngã, thậm chí gây ra nhận thức lệch lạc cho rất nhiều em cùng lớp, cùng trường. Do đó, cần phải tách những thành phần này ra khỏi môi trường học đường".
>> Kỷ luật học sinh cầm dao đuổi đánh nhau bằng hòa giải?
Trong khi đó, nhìn nhận sự việc dưới một góc nhìn khác, độc giả Torain lại phản đối việc dùng hình phạt hà khắc với học sinh cá biệt: "Tôi thấy nhiều người có quan điểm như 'phải cho vào trường giáo dưỡng', 'gặp phải con tôi thì quyết không tha'... Cá nhân tôi cho rằng, ngay cả khi công an vào cuộc thì cũng rất khó để đưa ra một hình phạt nào khác. Bản thân các em chưa đủ tuổi về mặt pháp lý, mà cũng chưa đến mức phải đưa vào trường giáo dưỡng. Thời nào cũng có bạo lực học đường. Thời cấp hai của tôi thậm chí còn toàn gậy gộc, dao, côn, mã tấu, còn có vụ chém cả thầy giáo, đánh nhau ngoài cổng trường như cơm bữa. Tôi cho rằng, ở lứa tuổi 13, 14, chúng ta cũng chỉ cần răn đe và có hình phạt hợp lý để các em nhận thức đúng và sửa sai".
Khẳng định việc áp dụng hình thức giáo dục nào cũng cần phải có nghiên cứu, cân nhắc cẩn trọng, bạn đọc Tuanlocden chia sẻ: "Đúng là cần phải lên án và có hình thức cảnh cáo, hạ hạnh kiểm với những học sinh đứng xem, cổ vũ và quay clip. Còn đối với các học sinh đánh bạn, cần làm rõ nguyên nhân, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc, nhưng cũng phải tuyệt đối không để trẻ bị mất danh dự và có những suy nghĩ tiêu cực.
Các trường THCS và THPT cần có các chuyên gia tâm lý để tư vấn cho các em học sinh cá biệt. Các giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được các nhóm học sinh cá biệt để tham mưu cho Ban giám hiệu có phương án theo dõi, quản lý và hạn chế tình trạng bạo lực học đường. Lớp nào để xảy ra bạo lực học đường thì giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm, trường nào để xảy ra bạo lực học đường thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Nếu làm được như vậy thì mới hạn chế được những vụ việc tương tự trong tương lai".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.