Phó giáo sư Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trả lời:
Đến nay, chưa có nghiên cứu cũng như khuyến cáo chính thức về tác dụng của rượu bia lên hiệu quả của vaccine Covid-19. Tuy nhiên, uống rượu bia sau tiêm vaccine có thể khiến tác dụng phụ biểu hiện rõ hơn hoặc nặng hơn như chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu, sốt. Rượu bia cũng dễ khiến bạn bị mất nước. Uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn đến suy giảm hoạt động của các tế bào miễn dịch. Nếu thực sự bạn vẫn muốn uống rượu bia thì nên giới hạn trong mức hai đơn vị/ngày đối với nam và một đơn vị/ngày đối với nữ.
Trước đó, Bộ Y tế khuyến cáo không uống rượu bia trước và vào ngày tiêm chủng. Ngoài ra, trong thời kỳ đại dịch, các chuyên gia khuyến cáo tránh uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe, giữ hệ thống miễn dịch ở trạng thái tốt nhất, giúp chống lại virus nếu bạn bị phơi nhiễm hoặc giúp tạo ra kháng thể khi bạn tiêm chủng.
Sau tiêm, bạn có thể bị sốt nhẹ hoặc cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ. Khi có biểu hiện như vậy, bạn có thể chọn ăn món ăn mềm, dễ tiêu hoá như cháo, các món nước, súp mà bạn quen thuộc, ưa thích. Nên uống đủ nước, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.
Tiếp tục ăn các món ăn lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch. Các chất dinh dưỡng như vitamin A, C, D, E, protein (chất đạm), kẽm... đóng vai trò quan trọng cho hoạt động của hệ miễn dịch. Bạn nên ăn nhiều loại rau, trái cây có các màu sắc khác nhau. Vitamin D có trong trứng, cá có mỡ, sữa, nấm... Bạn cũng chọn ăn ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá, thịt gia cầm và các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như đậu hũ, các loại hạt...
Hiện, chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng các thực phẩm kháng viêm hoặc các sản phẩm bổ sung như vitamin C có làm tăng cường hiệu quả của vaccin Covid-19 hay không. Tuy nhiên, sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng, phong phú các loại vi chất dinh dưỡng là có ích trên hoạt động của hệ miễn dịch.
Các thực phẩm như tỏi, nghệ, hành... có vai trò tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, tuy nhiên, vai trò của các thực phẩm này trên hiệu quả của vaccine Covid-19 chưa được nghiên cứu đầy đủ.