Trả lời:
Bạn bị khỉ cào chảy máu và không rõ tiền sử tiêm chủng của khỉ, do đó cần được tiêm phòng dại càng sớm càng tốt. Lý do là các nghiên cứu y khoa chỉ ra khỉ cũng mang virus dại, mầm bệnh tồn tại nhiều trong nước bọt của con vật, có thể lây sang người thông qua vết cào. Người đi du lịch nơi hoang dã có nguy cơ bị khỉ cào, cắn cao hơn khi trêu, kích động con vật.
Bạn nên đến các điểm tiêm chủng càng sớm càng tốt để bác sĩ kiểm tra vết thương trực tiếp, có thể phải chủng ngừa dại, uốn ván hoặc huyết thanh kháng dại. Bạn không nên chờ theo dõi sức khỏe của con khỉ do sẽ làm lỡ thời gian vàng điều trị bằng vaccine. Mặt khác, việc theo dõi tình trạng của khỉ hoang dã rất khó khăn.
Về phác đồ, bạn cần tiêm 5 mũi trong 28 ngày, lần lượt vào ngày 0-3-7-14-28. Nếu vết thương hở, mức độ nặng, xuất hiện ở vùng đầu mặt cổ, hoặc động vật không theo dõi được, bạn phải dùng thêm huyết thanh để tạo kháng thể nhanh nhất. Trường hợp đã tiêm đầy đủ các mũi ngừa dại hoặc tiêm dự phòng dại, bạn chỉ dùng thêm hai mũi vaccine và không cần huyết thanh.
Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, cào. Khi bệnh khởi phát, tỷ lệ tử vong gần 100%.
Những người có nguy cơ cao thường xuyên tiếp xúc với động vật nên tiêm dự phòng ba mũi. Việc này có nhiều lợi ích như giảm số mũi tiêm ở các lần bị động vật tấn công; tránh nguy cơ gặp phản ứng phụ khi sử dụng huyết thanh kháng dại. Hiện các trung tâm tiêm chủng có vaccine thế hệ mới, không chứa tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng sức khỏe và trí nhớ của con người.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC