Trả lời:
Việc tiêm huyết thanh sẽ phụ thuộc vào tình trạng vết cắn, thời gian và lịch sử tiêm ngừa của bạn, không bắt buộc cho 100% trường hợp bị động vật cào, cắn. Bạn không nêu rõ lịch sử tiêm ngừa nên chúng tôi chưa thể tư vấn kỹ lưỡng hơn, tuy nhiên có hai khả năng:
Nếu bạn đã tiêm đầy đủ các mũi vaccine sau khi bị chó cắn, cào hoặc tiêm dự phòng 3 mũi trước khi bị cắn, cào, thời gian tiêm chủng cách thời điểm bị cắn chưa lâu, chỉ cần tiêm thêm 2 mũi vaccine, không cần dùng huyết thanh.
Nếu bạn chưa từng tiêm vaccine và bị cắn lần đầu, cần dùng 5 mũi vaccine và có thể thêm huyết thanh kháng dại. Huyết thanh sẽ sinh nhanh kháng thể thụ động trong 24 giờ sau tiêm, có hiệu quả ngăn chặn virus tại chỗ trong thời gian chờ vaccine tạo ra kháng thể bảo vệ bạn.
Các tình trạng cần xem xét tiêm huyết thanh, gồm bị cắn hoặc cào rách da ở vùng gần thần kinh trung ương hoặc nhiều đầu thần kinh như đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục; bị động vật nghi dại liếm vào niêm mạc như mắt, miệng, bộ phận sinh dục và vùng da bị tổn thương; bị cắn nhiều vết thương sâu trên cơ thể.
Huyết thanh kháng dại được chỉ định tiêm một lần trong ngày đầu tiên hoặc không quá 7 ngày sau khi bị cắn, cào. Mỗi người sẽ có phản ứng sau tiêm huyết thanh khác nhau. Trong đó một số tác dụng phụ không mong muốn là loét hay căng cứng cơ ở vị trí tiêm, sốt nhẹ, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, đau khớp và mệt mỏi.
Để tránh các tác dụng phụ của huyết thanh, người có nguy cơ cao bị động vật cắn, cào nên chủ động tiêm dự phòng dại với phác đồ gồm 3 mũi. Đây là cách bảo vệ sớm cho người thường xuyên tiếp xúc với động vật hoặc ở xa các trung tâm y tế. Sau khi tiêm dự phòng, nếu bị cắn, cào, mọi người chỉ cần dùng thêm 2 mũi ngừa dại, không cần dùng huyết thanh.
Các vaccine dại tại Việt Nam đều sản xuất theo công nghệ hiện đại, không chứa các tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến trí não và sức khỏe. Vaccine được chứng minh an toàn cho cả phụ nữ mang thai và cho con bú.
ThS Nguyễn Diệu Thúy
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC