Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Nga Vladimir Putin tối 20/1 có cuộc gặp không chính thức tại Điện Kremlin, trước khi hai lãnh đạo họp thượng đỉnh một ngày sau đó. Giới chuyên gia cho rằng ngôn ngữ cơ thể được hai lãnh đạo thể hiện trong cuộc gặp cho thấy nhiều điều về tâm thế của họ.
Karen Leong, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể đồng thời là giám đốc điều hành Influence Solutions ở Singapore, nhận thấy các cử chỉ của ông Tập toát lên vẻ thoải mái và chủ động hơn so với ông Putin, dù Tổng thống Nga là "chủ nhà".
Trong video do Điện Kremlin công bố, ông Putin bước vào phòng trước và đứng chờ sẵn, dù ông trước đây thường để các lãnh đạo nước ngoài phải chờ đợi mình. Điều này cho thấy Tổng thống Putin rất coi trọng Chủ tịch Tập cũng như mối quan hệ Nga - Trung.
Khi ông Tập bước vào, ông Putin đã giơ tay lên một cách dứt khoát để sẵn sàng thực hiện cú bắt tay. Ngay trong tích tắc đó, ông Tập cũng đưa tay lên ở vị trí ngang tầm, vừa tiến tới bắt tay ông Putin.
"Hành động này cho thấy dù ông Tập là khách ở Moskva, ông ấy vẫn thể hiện mình là người chủ động trong mối quan hệ này", chuyên gia Leong phân tích.
Sau khi bắt tay, hai lãnh đạo tiến tới ghế ngồi để trao đổi, gọi nhau là "bạn thân thiết". Louise Mahler, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể và hành vi lãnh đạo ở Melbourne, Australia chỉ ra ông Putin đã "thả người xuống ghế, dịch chuyển bàn chân, hai tay đan vào nhau và nhìn xuống sàn".
Theo bà, những hành động này cho thấy sự bồn chồn của ông chủ Điện Kremlin, trong khi ông Tập tỏ ra "bình thản và tự tin" khi từ từ ngồi xuống ghế, chỉnh lại trang phục, hai tay đặt ở hai thành ghế.
"Ông Tập thể hiện sự điềm đạm, rất có thần thái, giao tiếp bằng mắt tốt", Leong nhận định. Tuy nhiên, chuyên gia này phát hiện dấu hiệu cho thấy ông Tập cũng cảm thấy phần nào áp lực, khi ông chớp mắt nhiều lần lúc ngồi xuống.
Kim Hyung-lee, giám đốc Phòng nghiên cứu Ngôn ngữ Cơ thể Hàn Quốc, cho biết cái bắt tay chặt và việc hai lãnh đạo thỉnh thoảng tránh giao tiếp bằng mắt phần nào thể hiện tâm lý thận trọng. "Họ đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp và sự căng thẳng thể hiện rất rõ ràng", chuyên gia này nói.
Truyền thông Nga đưa tin cuộc họp không chính thức này kéo dài gần 4 giờ rưỡi, trong đó hai lãnh đạo "trao đổi quan điểm rất kỹ lưỡng và nghiêm túc" về kế hoạch hòa bình cho chiến sự Ukraine cũng như quan hệ song phương.
Đây tiếp tục là chủ đề trọng tâm khi ông Tập và ông Putin hội đàm ở Điện Kremlin ngày 21/3. Trong hội đàm, hai lãnh đạo thảo luận về ý tưởng xây dựng Power of Siberia 2, hệ thống đường ống sẽ chuyển khoảng 50 triệu mét khối khí đốt Nga mỗi năm tới Trung Quốc.
Tổng thống Nga nhấn mạnh đề xuất hòa bình do Trung Quốc đưa ra có thể dùng làm cơ sở để giải quyết khủng hoảng Ukraine khi Kiev và phương Tây sẵn sàng. Trong khi đó, ông Tập tuyên bố Trung Quốc giữ vị thế khách quan trong xung đột Ukraine và kế hoạch hòa bình được Bắc Kinh đưa ra theo các nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Hai lãnh đạo mô tả quan hệ Nga - Trung đang ở "đỉnh cao nhất trong lịch sử hai nước", nhưng không nhằm đối đầu trực tiếp với bất kỳ quốc gia nào.
Nga và Trung Quốc sau đó ra tuyên bố chung, kêu gọi các bên dừng mọi động thái có thể đẩy khủng hoảng Ukraine vào "tình trạng không thể kiểm soát". Tuyên bố chung cho biết không có ai chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và một cuộc chiến hạt nhân không bao giờ được phép xảy ra.
Đức Trung (Theo Reuters)