"Ukraine biết ơn các đối tác vì viện trợ quân sự của họ, nhưng chúng ta cần trung thực với nhau là chưa ai làm đủ chừng nào lính Nga vẫn còn trên đất Ukraine. Trang bị vũ khí để đất nước chúng tôi giành chiến thắng là con đường ngắn nhất để khôi phục hòa bình, an ninh tại châu Âu và hơn thế nữa", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 9/1 đăng trên Twitter.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy sau đó chế nhạo lời kêu gọi của ông Kuleba và nhận định Ukraine có ý định khác. "Thật ra họ muốn nói thế này: Chúng tôi lại tiêu phí quân đội của mình, hãy gửi thêm quân đội và chúng tôi sẽ giả vờ rằng đang chiến đấu với Nga một mình. Cũng đừng quên tài trợ cho cuộc sống xa hoa của các nhà tài phiệt Ukraine ở châu Âu", ông Polyanskiy cho biết.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 12/11. Ảnh: Reuters.
Trong cuộc phỏng vấn với Newsweek cuối tuần qua, Đại sứ Ukraine tại Anh Vadim Pristayko cho biết một số vũ khí do phương Tây viện trợ tới nước này đã cũ, hết hạn sử dụng. "Chúng tôi còn đùa rằng nếu các ông muốn vứt chúng đi, cứ đưa cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ sử dụng chúng đúng cách. Trong thời bình, không ai muốn nói những điều như vậy, nhưng trong lúc này, tại sao không chứ?", ông Pristayko nói.
Đại sứ chỉ ra gần đây đã có những bước phát triển tích cực trong việc cung cấp vũ khí phương Tây cho Ukraine, trong đó có việc chuyển hệ thống Patriot. Tuy nhiên, Kiev vẫn muốn có thêm nhiều hệ thống phòng không, xe tăng chiến đấu chủ lực, chiến đấu cơ và đạn tầm xa cho các loại vũ khí như HIMARS.
"Một số đối tác của chúng tôi vẫn ngần ngại khi Nga đe dọa họ bằng sự leo thang căng thẳng", ông Pristayko nói.
Sau khi chiến sự bùng phát, phương Tây rót viện trợ quân sự với quy mô lớn nhằm bù đắp cho tổn thất của Ukraine trên chiến trường. Mỹ là bên ủng hộ lớn nhất của Ukraine và phê duyệt khoản viện trợ hơn 100 tỷ USD. Tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát tới nay là hơn 24,2 tỷ USD.

Xe tăng Ukraine tại làng Torske, tỉnh Donetsk tháng 12/2022. Ảnh: Reuters.
Pháp tuần trước thông báo chuyển giao một số xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC cho Ukraine. Đức và Mỹ sau đó công bố kế hoạch chuyển xe chiến đấu bộ binh cho Kiev. Đức cũng nêu ý định gửi hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine, bên cạnh các hệ thống Mỹ đã cam kết từ trước.
Giới phân tích quân sự cho rằng các phương tiện chiến đấu mới có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công của Ukraine trong tương lai hoặc bảo vệ họ trước các đợt tấn công mới của Nga.
Trong khi đó, Nga kêu gọi phương Tây ngừng bơm vũ khí cho Ukraine, nhận định viện trợ liên tục chỉ kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho dân nước này, thay vì làm thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc xung đột.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố vũ khí Mỹ và NATO chuyển cho Ukraine "không thể ngăn cản tiến trình hoàn tất mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga".

Cục diện chiến sự Ukraine. Đồ họa: WP.
Nguyễn Tiến - Ngọc Ánh (Theo RT, Interfax Ukraine, Newsweek)