Một cố vấn của Tổng thống Emmanuel Macron tuần trước thông báo Pháp đồng ý cung cấp "một số xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC" cho quân đội Ukraine. Người này cho biết đây là "lần đầu tiên xe tăng do phương Tây thiết kế được cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine", song chưa tiết lộ thời điểm và số lượng bàn giao.
Jack Watling, chuyên gia về tác chiến lục quân thuộc Trung tâm Wilson tại thủ đô Washington của Mỹ, nhận định dù mọi khí tài phương Tây cung cấp cho Ukraine đều hữu ích, mẫu thiết giáp AMX-10 RC mà Pháp phân loại là "xe tăng hạng nhẹ" này sẽ không tạo ra khác biệt lớn trong giao tranh.
Edouard Jolly, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Ecole Militaire ở Paris, đánh giá thiết giáp AMX-10 RC "hữu dụng trên chiến trường Ukraine, song không phải vũ khí mang tính quyết định".
Xe chiến đấu bộ binh AMX-10 RC gắn pháo chính 105 mm được phát triển từ đầu những năm 1970 và được biên chế từ năm 1981, với hơn 450 chiếc đã xuất xưởng. Quân đội Pháp đang loại biên dần AMX-10 RC và thay bằng thiết giáp trinh sát EBRC Jaguar, sử dụng pháo CT40 với cỡ nòng nhỏ hơn.
Một số chuyên gia cảnh báo dù Pháp phân loại AMX-10 RC là xe tăng hạng nhẹ, lớp giáp của chúng mỏng và khó chống chịu bất cứ hỏa lực nào mạnh hơn đạn súng bộ binh thông thường.
AMX-10RC sử dụng pháo chính với cỡ nòng tương đương một số mẫu xe tăng chủ lực, nhưng tháp pháo đặt trên thân xe bánh lốp thay vì bánh xích như xe tăng thông thường.
Sonny Butterworth, chuyên gia về xe tăng thuộc công ty phân tích tình báo Janes, cảnh báo nếu binh sĩ Ukraine vận hành AMX-10 RC tương tự xe tăng thông thường, "chúng khá dễ bị tổn thương và họ có thể chịu tổn thất nặng nề".
Ông Butterworth nhận định AMX-10 RC chỉ có thể được coi là thiết giáp gắn pháo cỡ lớn, thay vì "xe tăng hạng nhẹ". Động thái này có thể chỉ thể hiện quyết định của phương Tây trong tăng cường một phần năng lực tác chiến cho Ukraine, "song vẫn có khả năng báo hiệu những gì cần thiết khi chiến sự tiếp diễn".
"Trong năm 2023, Ukraine sẽ cố giành lại nhiều vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát", ông Butterworth nói. "Xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và thiết giáp được coi là những thành phần quan trọng trong hình thức tác chiến hiện đại này, đặc biệt trong xung đột với Nga".
Cả chuyên gia Walting và Jolly đều cho rằng AMX-10 RC sẽ không thể thay đổi đáng kể cục diện chiến sự, nhưng sẽ khuyến khích các thành viên NATO khác chuyển giao nhiều thiết giáp hơn, thứ có thể giúp ích cho các chiến dịch phản công trong tương lai của Ukraine.
Sau khi quan chức Pháp công bố kế hoạch chuyển AMX-10 RC, Mỹ và Đức cũng thông báo sẽ cung cấp xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley và Marder cho Ukraine. Mỹ biên chế thiết giáp M2 từ năm 1981, còn quân đội Đức vận hành mẫu Marder từ năm 1971 và đang thay thế chúng bằng mẫu Puma.
Các quốc gia thành viên NATO đã gửi một số mẫu thiết giáp cho Ukraine, trong đó có xe chiến đấu bộ binh của Liên Xô hoặc Nga, cùng xe chở quân và xe tải do phương Tây sản xuất. Mỹ tháng 11/2022 thông báo viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine, song là mẫu T-72 đời cũ của Liên Xô, thay vì mẫu M1 Abrams được được quân đội Mỹ biên chế.
Nikolai Sokov, chuyên gia thuộc Trung tâm Giải trừ quân bị và Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân tại Vienna, cảnh báo Nga nhiều khả năng phản ứng dữ dội nếu Mỹ và đồng minh chuyển các mẫu xe tăng hạng nặng như M1 Abrams và Leopard 2 của Đức, vốn "có thể mang lại lợi thế về chất lượng cho lực lượng Ukraine".
"Tôi không thấy bất cứ rủi ro cụ thể nào liên quan đến việc Pháp chuyển giao AMX-10 RC", ông Sokov, cựu quan chức ngoại giao Nga, nhận định. Tuy nhiên, ông cho rằng do các bên chưa xác định rõ lằn ranh đỏ, hiện chưa thể xác định loại vũ khí nào được phương Tây chuyển cho Ukraine có thể châm ngòi phản ứng quyết liệt hơn từ Nga.
"Vấn đề là khi tiến lên từng bước nhỏ thế này, người ta rất có thể không biết mình đã vượt qua lằn ranh đỏ hay chưa. Đó là mối nguy hiểm trong tình huống rất không chắc chắn hiện nay ở Ukraine", ông Sokov kết luận.
Nguyễn Tiến (Theo FT)