Tôi có một thời gian làm giáo viên tiếng Anh trường cấp ba ở một vùng quê. Sau mấy năm đi dạy với mức lương bèo bọt, tôi chủ động xin nghỉ, lên thành phố để đi tìm một tương lai mới, với hy vọng có nhiều cơ hội mới.
Mỗi năm, cứ đến ngày 20/11 - Ngày nhà giáo Việt Nam, cảm xúc của tôi vẫn lẫn lộn khi nhận được vài tin nhắn chúc mừng từ các học trò cũ, cũng như đọc những câu chuyện về các thầy cô giáo sống chật vật với đồng lương thấp.
Tôi không hiểu vì sao câu chuyện lương giáo viên thấp đã tồn tại hàng chục năm, qua nhiều thế hệ nhà giáo nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Nó tồn tại từ thời bao cấp, khi mẹ tôi cũng là giáo viên. Nhưng sau đó bà cũng chủ động nghỉ dạy để đi chạy chợ kiếm tiền nuôi hai đứa con.
>> 'Dẹp phong bì ngày Nhà giáo'
Tôi thấy nỗi khổ chính của các thầy cô giáo bây giờ là rơi vào trạng thái "vừa bị đấm, vừa bị xoa". Khi các thầy cô kêu than lương thấp, không ai nghĩ ra giải pháp hoặc đề xuất những chính sách nào để giúp tăng thu nhập. Ngược lại, sẽ có rất nhiều người ráo hoảnh: "Lương thấp thì sao không nghỉ việc đi", "Giáo viên đi dạy một ngày không đủ tám tiếng", "Giáo viên có ba tháng nghỉ hè"... Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận.
Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy số tiền nhận được không bù công sức, bạn yêu cầu sếp tăng lương, sếp bảo: "Làm được thì làm, không làm được thì nghỉ", bạn sẽ có cảm giác thế nào?
Đồng ý là giáo viên có những hôm đi dạy không đủ tám tiếng, có thời gian nghỉ hè, nhưng đã có ai nghĩ đến những công việc không tên chính thức phải mang về nhà chưa? Đó là soạn giáo án, viết nhận xét dự giờ, chấm bài, vào điểm, tham gia tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy, tham gia sáng tạo dụng cụ học tập, họp tổ bộ môn.
>> 'Không thể viện cớ lương thấp để xí xóa chuyện phong bì'
Nếu giáo viên nào làm chủ nhiệm lớp sẽ phải có những phần việc như ghi học bạ, vào điểm học bạ, viết sổ liên lạc, sinh hoạt lớp, họp phụ huynh... Những ngành nghề khác, xong việc ở văn phòng thì về nhà ngủ nghỉ. Nếu có làm thêm thì được tính tiền ngoài giờ. Giáo viên thì không được như vậy.
Nhưng mỗi năm cứ đến 20/11, chính giáo viên lại được mọi người ca ngợi bằng những mỹ từ hết sức "kêu": "người lái đò", "tri ân thầy cô giáo", "nghề trồng người", "muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy"... Nghề giáo cũng là những ngành nghề khác như trong xã hội, các thầy cô giáo vẫn cần tiền để sinh sống và nuôi gia đình. Sao cứ phải gọi nghề này là "cao quý", dành một năm trong ngày để ca tụng. Nhưng qua cái ngày 20/11 này thì đâu vẫn hoàn đấy. Phải chăng, chính việc ca ngợi họ "cao quý" để xí xoá đi việc lương thấp?
Trần Quang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.