Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị Trung ương 6) ngày 11/11 tuyên bố sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình "có ý nghĩa quyết định" đối với quốc gia, khẳng định vị thế vững chắc của ông trong tương lai chính trị của đất nước.
"Xác lập vị trí của đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân của Ban Chấp hành Trung ương cũng như hạt nhân của toàn đảng có tầm quan trọng mang tính quyết định khi hướng tới công cuộc chấn hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc", văn kiện mang tên "Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh trăm năm của đảng" được Hội nghị Trung ương 6 thông qua sau cuộc họp từ 8/11 đến 11/11 tại thủ đô Bắc Kinh có đoạn. Nó giúp nâng tầm của ông Tập, biến ông trở thành lãnh đạo ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, những người từng đưa ra hai nghị quyết tương tự năm 1945 và 1981.
Ông Tập giờ đây được coi là kiến trúc sư mở ra "kỷ nguyên mới" trong quá trình phát triển của đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), sánh vai cùng người sáng lập đất nước và người cải cách kinh tế quốc gia.
Hội nghị Trung ương 6 được xem là sự kiện quan trọng nhất của CCP, trước khi đại hội đại biểu toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào cuối năm sau. Đại hội sẽ bầu ra những vị trí lãnh đạo quan trọng nhất của Trung Quốc, trong bối cảnh giới quan sát vẫn đặt câu hỏi về khả năng ông Tập tiếp tục nắm giữ nhiệm kỳ ba.
Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết đại hội tiếp theo là sự kiện "cực kỳ quan trọng", bởi nó sẽ thiết lập chương trình nghị sự cho đất nước cho tới thời điểm kỷ niệm 100 năm quốc khánh Trung Quốc vào năm 2049.
"Hội nghị Trung ương 6 đề cập đến những thành tựu quá khứ, nhưng cũng nói về tương lai", Tony Saich, giám đốc Trung tâm Quản trị Dân chủ và Đổi mới Ash của Đại học Harvard, nói. "Bằng cách chỉ ra tiến trình phát triển liên tục của CCP trong 100 năm qua, nghị quyết được xem là minh chứng cho thấy ông Tập chắc chắn trở thành 'hạt nhân của đảng' vào thời điểm này".
"Mục đích chính của Hội nghị Trung ương 6 là củng cố quyền lực của ông Tập, giúp ông trở thành lãnh đạo quan trọng nhất kể từ sau ông Mao và ông Đặng", Henry Gao, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quản lý Singapore, nhận định.
Không giống những người tiền nhiệm, ông Tập không vướng bất cứ rào cản nào về pháp lý hay quy định để có thể tiếp tục đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội Trung Quốc năm 2018 đã quyết định bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ của chức chủ tịch, trong khi vị trí tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc không có giới hạn về nhiệm kỳ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 không phải là một văn kiện pháp lý, nhưng được coi là cách hiệu quả giúp ông giành được sự ủng hộ rộng rãi trong đảng trước thềm đại hội. CCP chưa bao giờ xây dựng một quy trình chính thức về cơ chế kế nhiệm, mà thường dựa vào quá trình đàm phán và tham vấn tại các cuộc họp kín.
Saich chỉ ra rằng nghị quyết không đề cập đến vấn đề kế nhiệm. "Nó nhằm nói rằng CCP rất mong muốn ông Tập ở lại, bởi ông là lãnh đạo giúp Trung Quốc tiến lên".
Dự đoán về nhiệm kỳ ba của ông Tập bắt đầu xuất hiện từ năm 2017, khi ông tuyên bố Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong khi "tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới " được đưa vào điều lệ đảng.
Thời điểm đó, một số nhà quan sát chính trị Trung Quốc nhận định ông Tập có thể nối tiếp truyền thống của các lãnh đạo trước đó như Giang Trạch Dân hay Đặng Tiểu Bình, chuyển giao lại một số trách nhiệm cho đội ngũ kế cận. Tuy nhiên, nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 cho thấy giả thuyết này khó có khả năng xảy ra và nhiều người dự đoán ông Tập sẽ tiếp tục giữ cả ba vai trò quan trọng nhất là Tổng bí thư CCP, Chủ tịch Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Trong năm qua, ông Tập đã đưa ra hàng loạt sáng kiến chính sách đầy tham vọng nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng cho xã hội Trung Quốc. Ông cũng tập trung vào vấn đề suy thoái môi trường, bong bóng trên thị trường bất động sản và sự giàu có "quá mức" của nhiều doanh nhân thông qua chương trình "thịnh vượng chung".
Trước thềm Hội nghị Trung ương 6, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua đã ca ngợi ông Tập là "người đàn ông của sự quyết tâm" và cho biết ông đã dành thời gian trong lịch trình bận rộn để đi bơi nhằm đảm bảo "có đủ sức khỏe giải quyết các công việc của đảng, chính phủ và quân đội".
"Nghị quyết lịch sử sẽ tạo ra một tầm nhìn mới ở Trung Quốc, trong đó ông Tập là người lèo lái đất nước vượt con sóng từ quá khứ tới tương lai", Geremie R. Barme, sử gia về Trung Quốc tại New Zealand, nói. "Đó không phải là nghị quyết về lịch sử trăm năm của đảng Cộng sản Trung Quốc, mà là cái nhìn về lãnh đạo tương lai".
Thanh Tâm (Theo Washington Post)