"Trung Quốc sẽ tước đoạt bữa trưa của chúng ta", Tổng thống Joe Biden tháng 2 nói trước Thượng viện Mỹ, cảnh báo Mỹ đang bị Trung Quốc bỏ lại rất xa trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Nỗi lo tụt hậu về hạ tầng trước Trung Quốc được coi là động lực để Biden đề xuất dự luật Đầu tư Hạ tầng và Việc làm, còn được gọi là Thỏa thuận Hạ tầng Lưỡng đảng, với ngân sách ban đầu là 2.300 tỷ USD. Qua nửa năm đàm phán giữa các nhà nghị sĩ lưỡng đảng, gói ngân sách giảm gần một nửa, xuống còn 1.200 tỷ USD và đã gộp đầu tư thường niên từ liên bang cho cơ sở hạ tầng quốc gia.
Tuy nhiên, một gói đầu tư khác đang được quốc hội Mỹ xem xét là dự luật Xây dựng Trở lại Tốt hơn (Build Back Better). Nếu dự luật này cũng được thông qua, Mỹ dự kiến chi hơn 3.000 tỷ USD cho phát triển hạ tầng, được coi là cú hích cần thiết để Washington bắt kịp Bắc Kinh trong lĩnh vực trọng yếu này.
Trung Quốc suốt nhiều năm qua duy trì đà tăng trưởng nóng bằng xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản. Riêng trong năm 2020, Trung Quốc chi khoảng 8.000 tỷ USD cho đầu tư hạ tầng, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia. Ngân sách liên bang Mỹ chi 146 tỷ USD cho các dự án hạ tầng trong cùng giai đoạn.
Trong ba năm 2011-2013, Trung Quốc sử dụng nhiều xi măng hơn tổng lượng tiêu thụ trong cả thế kỷ 20 của Mỹ. Chi tiêu hạ tầng Trung Quốc năm 2018 chiếm 5,57% GDP, đứng số một trong bảng xếp hạng 48 nước Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD). Tỷ lệ này của Mỹ là 0,52%.
Từ năm 2015 đến năm 2020, Trung Quốc mở rộng 21% mạng lưới đường sắt trong nước, nâng tổng chiều dài đường ray hơn 146.000 km. Họ dự tính xây dựng thêm gần 50.000 km đường sắt trước cuối năm 2035, với tham vọng soán ngôi Mỹ về tổng chiều dài mạng lưới đường sắt trước giữa thế kỷ 21.
Bắc Kinh chưa muốn giảm tốc. Ngân sách trung ương năm 2021 dự kiến phân bổ khoảng 94 tỷ USD cho các dự án mới, bao gồm "phát triển hạ tầng mới". Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 2 công bố ý định xây thêm 162 sân bay từ nay đến năm 2035.
Đà tiến không ngừng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại và được coi là một trong những động lực quan trọng để hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vượt qua tình trạng chia rẽ sâu sắc, nhất trí với kế hoạch hạ tầng đầy tham vọng của Tổng thống Biden.
"Thách thức từ Trung Quốc được cả hai đảng thừa nhận và đây là dấu hiệu đáng mừng", theo Jonathan E. Hilman, chuyên viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Khi đạo luật 1.200 tỷ USD được Biden ký thông qua, chính phủ liên bang sẽ rót thêm 550 tỷ USD trong 5 năm cho các khoản đầu tư mới, nâng cấp cầu đường, Internet băng thông rộng, công nghệ xe điện và một số lĩnh vực khác trên toàn quốc.
Biden cũng lên kế hoạch rót 66 tỷ USD vào hệ thống đường sắt vận tải hành khách quốc gia Amtrak. Ngoài mục tiêu cải tạo và hiện đại hóa Hành lang Đông Bắc, Mỹ sẽ đầu tư xây thêm tuyến vận tải đường dài, qua đó mở rộng mạng lưới đường sắt, vốn đang có tổng chiều dài gần 260.000 km.
Nhà Trắng tự tin tuyên bố gói ngân sách sẽ mang "dịch vụ đường sắt đẳng cấp thế giới đến những khu vực ngoài vùng Đông Bắc và các bang vùng trung Đại Tây Dương".
Không chỉ đường sắt, đầu tư cầu đường của Trung Quốc cũng đang phả hơi nóng vào vị thế của Mỹ. Họ vạch lộ trình đến năm 2035 tăng hệ thống đường cao tốc thêm 47%, đạt tổng chiều dài gần 200.000 km, vượt qua mốc gần 158.000 km đường cao tốc của Mỹ. Trung Quốc cũng bỏ xa đối thủ về hạ tầng xe điện khi sở hữu 1,68 triệu trạm sạc, trong khi Mỹ có 42.000 trạm sạc công cộng.
Tổng thống Biden dự kiến chi lần lượt 110 tỷ USD và 7,5 tỷ USD để cải thiện hạ tầng Mỹ trong hai lĩnh vực trên, nhằm khẳng định vị thế của Mỹ trong cuộc đấu hạ tầng này.
Bên cạnh đó, khoảng 65 tỷ USD được quy hoạch phát triển Internet băng thông rộng tốc độ cao toàn quốc, giải quyết tình trạng nhiều vùng nông thôn Mỹ khó kết nối Internet tốc độ cao.
Trung Quốc dường như cũng cảm nhận thấy sức nóng ngày càng tăng trong cuộc đua hạ tầng với Mỹ sau khi đạo luật 1.200 tỷ USD được thông qua. Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 7/11 đăng bài bình luận cho rằng Mỹ sẽ không bao giờ có thể xây dựng được mạng lưới đường sắt dày đặc như Trung Quốc và hệ thống cao tốc của họ cũng tụt hậu so với Trung Quốc.
Global Times nhận định đạo luật hạ tầng trên là "nỗ lực vô vọng" của Mỹ nhằm "bắt chước không đến nơi đến chốn" thành tựu hạ tầng của Trung Quốc, thậm chí chỉ trích Washington "lạc lối trong niềm kiêu hãnh và ngạo mạn của mình".
Tuy nhiên, theo Min Ye, chuyên gia quan hệ quốc tế Đại học Boston, quá trình phát triển hạ tầng ở Trung Quốc không phải bức tranh toàn màu hồng như truyền thông nước này quảng bá. "Xét về độ phủ cơ sở hạ tầng toàn diện, Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ, cụ thể là các khu vực miền trung và phía tây Trung Quốc", bà lưu ý.
Một số chuyên gia chính sách cho rằng Mỹ cần gói đầu tư khổng lồ này không chỉ để "đấu với Trung Quốc", mà còn nhằm duy trì năng lực cạnh tranh với những nền kinh tế lớn khác. Chính phủ Mỹ cũng cần chớp cơ hội hiếm có khi mức lãi suất thấp chưa từng thấy để mạnh tay đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
"Đạo luật là hướng đi đúng đắn cho tương lai kinh tế Mỹ nếu xét về ứng phó biến đổi khí hậu và đầu tư vào thế hệ tương lai", Betsey Stevenson, nhà kinh tế học Đại học Michigan và cựu thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Nhà Trắng, lưu ý.
Trung Nhân (Theo Politico/Washington Post)