"Tang ping" (Triết lý nằm phẳng) xuất phát từ một bài viết trên mạng xã hội Tieba hồi giữa tháng 4. Người viết bài thuộc thế hệ 9X đề cập đến thuật ngữ này với lời giải thích: "Quyết tâm bỏ qua mọi nỗ lực để hoàn thành một công việc hay mục tiêu nào đó".
"Ở nước tôi, chưa bao giờ có một xu hướng đề cao tính chủ quan của con người, nên tôi muốn tạo ra lẽ sống cho riêng mình: Nằm yên mặc kệ tất cả. Chỉ khi nằm xuống, con người mới có thể trở thành thước đo của vạn vật", người này viết.
Tác giả tự giới thiệu mình thất nghiệp hai năm qua, nhưng điều này không làm anh cảm thấy chán nản. Thay vì đưa mình vào guồng quay kỳ vọng của gia đình hay chạy theo thành công của bạn bè, người này chọn cách nằm yên bởi "ngày càng thất vọng với văn hóa làm việc "vắt kiệt sức" của xã hội hiện đại".
Dù bài đã bị xóa ngay sau đó, nhưng thuật ngữ "tang ping" bất ngờ trở thành một từ thông dụng trong giới trẻ Trung Quốc. Trên nền tảng Douban - một trong 10 mạng xã hội lớn nhất nước này - xuất hiện một nhóm có tên 'Lying Down' thu hút gần 6.000 thành viên.
Bài đăng nhận được nhiều sự quan tâm nhất của nhóm này từ khi thành lập có tên "Hướng dẫn cách nằm xuống", trong đó liệt kê các bước để chấp nhận những thiếu sót của bản thân thay vì cố gắng thay đổi nó. Nội dung còn nhấn mạnh: "Tiền bạc không liên quan tới hạnh phúc và nếu việc gì khó quá thì mạnh dạn bỏ qua".
"Trước giờ, tiêu chuẩn của lối sống mà xã hội áp đặt cho chúng ta là: làm việc chăm chỉ, sự nghiệp thành công, mua nhà mua xe rồi kết hôn, sinh con. Tuy nhiên, tôi giờ chẳng quan tâm tới những điều đó. Tôi không làm thêm giờ, không cần thăng chức và cũng chẳng hào hứng với những chuyện ngoài lề ở công ty", Wendy, một thành viên năng nổ trong nhóm cho hay.
Dù được nhiều bạn trẻ ủng hộ, lối sống này đang bị truyền thông Trung Quốc lên án dữ dội. Nhật báo Quang Minh - một trong những tờ báo hàng đầu - đã có bài viết khẳng định, cộng đồng "tang ping" không tốt cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước tỷ dân.
Bài báo nhấn mạnh: "Bất luận thế nào, người trẻ phải có niềm tin vào tương lai. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, nguồn lao động dồi dào và lợi thế thị trường khổng lồ. Cuộc sống chỉ hạnh phúc khi chúng ta làm việc chăm chỉ".
Hoàng Bình, giáo sư Văn học tại Đại học sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, người nhiều năm nghiên cứu văn hóa thanh thiếu niên cho biết, các cơ quan quản lý lo ngại về lối sống "tang ping" là có cơ sở bởi tư duy này đe dọa tới năng suất lao động nếu thế hệ trẻ ngừng làm việc.
"Tuy nhiên, đây cũng là một phản ứng có lý khi thế hệ trẻ phải chịu nhiều áp lực từ gia đình và xã hội", ông Hoàng nói.
Theo vị giáo sư này, đại dịch Covid-19, thất nghiệp, giá cả tăng... là những nguyên nhân đè nặng lên vai của nhiều người trẻ Trung Quốc. Chưa kể tới áp lực từ gia đình, quy chuẩn xã hội áp đặt lên mỗi cá nhân từ khi họ ra đời.
Vy Trang (Theo Sixth Tone)