Với hình thức tranh luận "tòa thị chính", cử tri tham gia và người điều hành vẫn được bố trí tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Adrienne Arsht ở thành phố Miami, bang Florida, nhưng Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden ngày 15/10 sẽ "tranh luận ảo" từ hai địa điểm tách biệt, thay vì đối đầu trực diện, theo thông báo được Ủy ban Tranh luận Tổng thống (PDC) đưa ra sáng 8/10.
Quyết định bất ngờ của PDC lập tức vấp phải phản ứng trái chiều từ chiến dịch tranh cử của Trump và Biden. Tổng thống Trump tuyên bố từ chối tranh luận trực tuyến vì xem đó là hình thức "không thể chấp nhận được", đồng thời khẳng định ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tranh luận trực tiếp với Biden.
"Tôi sẽ không lãng phí thời gian tranh luận trực tuyến. Đó hoàn toàn không phải là tranh luận", Tổng thống Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn với Fox Business. "Bạn ngồi trước máy tính và tranh luận. Điều đó thật lố bịch, rồi họ có thể tắt mic của bạn bất cứ khi nào họ muốn".
Quản lý chiến dịch tranh cử của Trump, Bill Stepien, người cũng bị nhiễm nCoV, nhanh chóng tái khẳng định lập trường của Tổng thống với tuyên bố hôm 8/10 rằng ông chủ Nhà Trắng sẽ "bỏ qua cái cớ để giải cứu Joe Biden này" và tiến hành một sự kiện vận động tranh cử thay vì tham gia tranh luận.
Stepien cũng dự đoán Tổng thống sẽ "đưa ra hàng loạt kết quả âm tính trước cuộc tranh luận" và khẳng định "có thể đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người liên quan mà không cần hủy bỏ một cơ hội để cử tri thấy cả hai ứng viên tranh luận trực tiếp".
Bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley tối 8/10 thông báo Trump đã hoàn thành liệu pháp điều trị và có thể tham gia các sự kiện, "an toàn tiếp xúc với cộng đồng" từ ngày 10/10. Không lâu sau, Stepien ra tuyên bố khác rằng "không có lý do nào về mặt y khoa để Ủy ban Tranh luận Tổng thống chuyển tranh luận trực tiếp sang trực tuyến, trì hoãn hoặc thay đổi nó theo bất kỳ cách nào".
Trái với phản ứng từ phía Trump, chiến dịch tranh cử của Biden ban đầu tỏ ra đồng thuận với đề xuất của PDC. Kate Bedingfield, phó quản lý chiến dịch tranh cử của Biden, sáng 8/10 cho biết ứng viên đảng Dân chủ sẽ tham gia cuộc tranh luận ảo, đồng thời nói rằng Biden "trông đợi được trò chuyện trực tiếp với người dân Mỹ".
Nhưng đến trưa cùng ngày, Bedingfield ra một tuyên bố dài hơn, cáo buộc Trump "rõ ràng không muốn đối diện với các câu hỏi từ cử tri" về đại dịch và kinh tế.
Cho rằng Trump từ chối tham dự cuộc tranh luận ảo, Bedingfield nói rằng Biden "sẽ tìm kiếm địa điểm thích hợp để nhận câu hỏi trực tiếp từ cử tri" vào hôm 15/10, đồng thời kêu gọi PDC áp dụng hình thức tranh luận tòa thị chính cho ngày 22/10, thời điểm dự kiến tổ chức cuộc tranh luận thứ ba, để "Trump không thể trốn tránh trách nhiệm".
Chưa đầy một giờ sau, Stepien cũng lên tiếng rằng ông sẽ đồng ý với kế hoạch áp dụng hình thức tòa thị chính cho buổi tranh luận ngày 22/10, miễn là cuộc tranh luận thứ ba được lùi một tuần tới 29/10, chỉ 5 ngày trước thời điểm bầu cử 3/11.
Bedingfield lập tức phản bác đề xuất thay đổi thời gian của Stepien, khi nói rằng "Tổng thống Donald Trump không thể thay đổi lịch trình tranh luận", đồng thời chỉ ra kế hoạch tổ chức ba buổi tranh luận đã được ấn định từ tháng 6 năm ngoái.
"Hành vi thất thường của Tổng thống không cho phép ông ấy viết lại lịch trình tranh luận và chọn một ngày mới theo ý mình", Bedingfield nói.
Trong khi thành viên của hai chiến dịch tranh cãi qua lại, ứng viên Biden cho rằng Tổng thống Trump có khả năng vẫn tham gia tranh luận lần hai vào ngày 15/10, bởi "ông ấy thay đổi suy nghĩ từng giây".
"Chúng ta không thể biết Tổng thống sẽ làm gì", Biden trả lời phóng viên ở Delaware và thêm rằng ông "sẽ tuân theo các khuyến nghị của ủy ban tranh luận".
"Nếu ông Trump quyết định tổ chức một cuộc vận động tranh cử thay cho buổi tranh luận, tôi không biết mình sẽ làm gì", ứng viên Dân chủ nói thêm.
Tới chiều 8/10, ABC News thông báo kế hoạch tự tổ chức phiên hỏi đáp với cử tri riêng vào ngày 15/10, với sự tham gia của Biden. Khi CNN hỏi lý do ứng viên Biden không sử dụng kế hoạch tranh luận PDC chuẩn bị sẵn, Bedingfield nói "Bởi Trump sẽ không xuất hiện".
"Nếu Donald Trump không có mặt, chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này để nói chuyện trực tiếp với người dân Mỹ", cô nói.
Frank Fahrenkopf, đồng sáng lập PDC và đồng chủ tịch đảng Cộng hòa, hôm 8/10 nói quyết định thực hiện tranh luận ảo "sẽ phải phụ thuộc vào việc liệu Trump có còn nguy cơ lây nhiễm hay không". Fahrenkopf thêm rằng không có yêu cầu nào bắt buộc ứng viên phải tham gia tranh luận tổng thống, dẫn chứng cựu tổng thống Jimmy Carter từng từ chối tham dự buổi tranh luận đầu tiên năm 1980.
Fahrenkopf nhấn mạnh rằng họ "không tham vấn" chiến dịch của Trump và Biden về quyết định tổ chức tranh luận từ xa. "Chúng tôi chỉ thông báo cho họ trước vài phút. Chúng tôi làm điều đó vì lý do sức khỏe và an toàn của mọi người. Chấm hết", ông nói.
Ngay cả khi Tổng thống Trump trình cho ủy ban kết quả âm tính với Covid-19, cuộc tranh luận vẫn không có khả năng diễn ra theo hình thức "mặt đối mặt", theo ông Fahrenkopf.
"Sẽ có người nói rằng 'Ông ấy hết virus. Ông ấy có thể tranh luận'. Nhưng cũng có người khác sẽ nói 'Thời gian đó chưa đủ lâu, Ông ấy vẫn có thể lây nhiễm virus'. Tôi không biết. Chúng tôi sẽ làm dựa trên lời khuyên về y tế", Fahrenkopf nói.
Tổng thống Trump ngày 8/10 nói ông không nghĩ bản thân còn nguy cơ lây nhiễm, đồng thời cho biết ông cảm thấy "hoàn hảo" và "hoàn toàn sạch virus".
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị người nhiễm nCoV nên cách ly ít nhất 10 ngày hoặc lâu hơn nếu vẫn còn triệu chứng. Bác sĩ Nhà Trắng Conley hôm 7/10 báo cáo Tổng thống "không còn triệu chứng trong 24 tiếng qua".
Tuy nhiên, Nhà Trắng không cung cấp bằng chứng cho thấy Trump không còn nguy cơ lây nhiễm và vẫn chưa đủ 10 ngày kể từ khi kết quả dương tính của ông được thông báo hôm 2/10. Nhà Trắng cũng từ chối cung cấp thời gian thời gian cụ thể về các xét nghiệm âm tính của Tổng thống.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel, người cũng bị nhiễm nCoV, hôm 8/10 nói rằng nếu Tổng thống có kết quả xét nghiệm âm tính trong vài ngày trước 15/19, "tranh luận thứ hai nên tổ chức trực tiếp".
McDaniel nói rằng cử tri xứng đáng được nghe màn tranh luận "mặt đối mặt" giữa hai ứng viên, đồng thời tuyên bố sẽ không có cơ hội để Biden sử dụng máy nhắc chữ trong suốt cuộc tranh luận.
Đáp lại phe Cộng hòa, Pete Buttigieg, cựu thị trưởng South Bend, bang Indiana, người đại diện hàng đầu của Biden, nói rằng việc Trump từ chối tranh luận là "quá tệ", bởi sẽ tốt hơn nếu người Mỹ có thể nghe hai ứng viên tranh luận dù là trực tuyến.
Buttigieg nói với Fox News rằng ông không biết tại sao Trump "muốn ở trong cùng căn phòng với người khác khi bạn có thể lây nhiễm dịch bệnh chết người", đồng thời thêm rằng "có thể Tổng thống không quan tâm tới những người khác".
PDC đã xem xét các hình thức thay thế cho cuộc tranh luận tuần tới sau màn đối đầu "hỗn loạn" ở Ohio tuần trước. Ủy ban trước đó thông báo cuộc tranh luận đầu tiên cho thấy sự cần thiết phải có "cấu trúc bổ sung" để "đảm bảo một cuộc thảo luận có trật tự hơn".
Chiến dịch của Tổng thống Trump đã bất bình với yêu cầu thay đổi cấu trúc tranh luận, đồng thời phàn nàn người điều hành Chris Wallace tỏ ra thiên vị cựu phó tổng thống Mỹ trong buổi tranh luận đầu tiên.
Nếu ông chủ Nhà Trắng đồng ý tham gia buổi tranh luận tuần tới, đây không phải lần đầu tiên hai ứng viên tổng thống tranh luận từ hai địa điểm tách biệt. John F. Kenedy và đối thủ Richard Nixon từng có cuộc tranh luận thứ ba theo hình thức này năm 1960, khi Kenedy phát biểu từ New York, còn phó tổng thống Cộng hòa tranh luận từ Los Angeles.
Hiện chưa rõ liệu việc tranh luận trực tuyến này có thể ảnh hưởng như thế nào tới chương trình khung giờ vàng kéo dài 90 phút này. Song, nhiều nhà phân tích nhận định thay đổi cách thức tổ chức có thể giúp ủy ban tranh luận thực hiện các biện pháp bổ sung để kiểm soát cuộc đối đầu giữa hai ứng viên.
Thanh Tâm (Theo Politico)