Nhóm thứ nhất bao gồm các khảo sát cho thấy Tổng thống Donald Trump bị đối thủ Joe Biden dẫn trước nhưng với cách biệt không quá lớn. Khảo sát của Trường Luật Marquette cho thấy khoảng cách giữa Trump và Biden là 5 điểm phần trăm ở bang Wiconsin. Trong khi thăm dò của NYTimes/Siena College cho thấy cách biệt mà Biden tạo ra ở Nevada là 6 điểm phần trăm và cạnh tranh sát sao ở Ohio, bang có truyền thống nghiêng về phe Cộng hòa.
Steven Shepard, bình luận viên của Politico, nhận định với nhóm khảo sát đầu, triển vọng tái đắc cử của Trump "rất xấu", nhưng ông vẫn còn "khe cửa hẹp" dẫn tới nhiệm kỳ hai. Ông giữ cách biệt ở mức một con số tại các bang như Wisconsin và đang vượt lên ở Ohio và những bang thường ủng hộ phe Cộng hòa khác.
Nhưng nhóm khảo sát thứ hai cho thấy Tổng thống đương nhiệm đang đứng bên bờ vực thất bại lịch sử. Trump đang bị Biden dẫn trước lần lượt 16 và 14 điểm phần trăm trong cuộc khảo sát toàn quốc của CNN/SSRC và NBC News/Wall Street Journal.
Biden cũng dẫn trước Trump 9 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò của NYTimes/ Siena College ở bang Arizon. Kết quả khảo sát của Đại học Quinnipiac cũng cho thấy Biden nới rộng cách biệt ở mức hai con số tại bang Florida và Pennsylvania, hai bang chiến trường quan trọng, đồng thời dẫn trước 5 điểm phần trăm ở Iowa.
"Ba bang quan trọng ở ba khu vực khác nhau của đất nước đều có chung một kết quả đáng lo ngại. Hy vọng tái đắc cử của Tổng thống ngày càng mờ nhạt", Tim Malloy, người công bố khảo sát của Đại học Quinnipiac, cho biết.
Chỉ riêng việc dẫn trước ở hai bang Florida và Pennsylvania cũng có thể đủ giúp Biden hội đủ đa số phiếu đại cử tri để giành chiến thắng. Đồng thời, lợi thế ở Wisconsin hoặc Michigan, nơi cách biệt mà Biden tạo ra lên tới 9 điểm phần trăm trong khảo sát của Detroit News/WDIV-TV tuần này, có khả năng giúp đảng Dân chủ vượt lên dẫn trước.
Ngay cả công ty khảo sát Rasmussen Reports mà Trump yêu thích cũng chỉ ra Tổng thống Mỹ đang bị đối thủ Dân chủ bỏ xa hơn 10 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất.
Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc tranh luận hỗn loạn giữa Tổng thống Trump và ứng viên Biden hôm 29/9, trong đó ông chủ Nhà Trắng liên tục ngắt lời đối thủ của mình, cùng việc ông bị nhiễm nCoV sau nhiều tháng đánh giá thấp mối đe dọa của Covid-19 là hai yếu tố dẫn tới cái nhìn tiêu cực của cử tri với ông trong các khảo sát trên.
Tuy nhiên, Patrick Murray, giám đốc Viện Khảo sát Đại học Monmouth ở New Jersey, cho rằng mọi người nên "cảnh giác" với kết quả khảo sát tiêu cực đối với Trump, dù chính khảo sát của ông ở Pennsylvania tuần này cho thấy Biden dẫn trước 12 điểm phần trăm.
"Chúng tôi đã có lúc gặp rất nhiều khó khăn hơn bình thường khi kêu gọi các thành viên lớn tuổi của phe Cộng hòa tham gia khảo sát", Murray nói. "Không ít người đã nói rằng 'hãy cảnh giác về điều đó'".
Tổng thống Trump được đánh giá là yếu thế hơn đối thủ Biden trong cuộc đua năm nay, kịch bản giống như 4 năm trước với ứng viên Hillary Clinton. Nhưng nhiều nhà phân tích nhận định còn quá sớm để nói về kết quả bầu cử.
Lịch sử cho thấy Tổng thống Trump từng "lật ngược thế cờ" ngoạn mục trong cuộc bầu cử năm 2016. Một tháng trước cuộc bầu cử 2016, Trump đối mặt bê bối lớn đến mức nhiều người trong đảng Cộng hòa kêu gọi ông rút khỏi cuộc đua, nhưng chỉ mất ba ngày Trump đã làm xoay chuyển tình thế.
"Đừng đánh giá thấp sức bật tinh thần của ông ấy". Anthony Scaramucci, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng, nói. Nhiều người quen biết Tổng thống từng cho rằng ông là người luôn có thái độ không nản lòng trước khủng hoảng. Họ thậm chí cho rằng lối suy nghĩ của Trump là một "siêu năng lực chính trị" nếu được khai thác hiệu quả.
Nhưng Chris Cillizza, chuyên gia phân tích của CNN, không có cùng quan điểm này. Ngược lại, Cillizza cho rằng Tổng thống Trump đang "hoảng loạn" trước cuộc bầu cử.
"Cách tốt nhất để hiểu Tổng thống Trump đang nghĩ gì và cảm thấy ra sao vào bất kỳ thời điểm nào là thông qua các bài đăng Twitter của ông ấy. Ngay lúc này, trang Twitter của ông hoàn toàn tràn ngập sự hoảng loạn", Cillizza viết trong bài phân tích trên CNN hôm 7/10.
Trong khoảng hơn hai tiếng sáng 7/10, bắt đầu từ 8h15, Tổng thống Trump đăng bài và chia sẻ hơn 40 tweet. Các dòng tweet của Trump tập trung công kích các đối thủ chính trị như Biden hay Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cáo buộc phe Dân chủ làm hại chiến dịch tranh cử của ông.
Cillizza nhận xét đây là hành vi bất thường "bất kể bạn có thích Trump hay không". Điều này thậm chí khiến bà Pelosi hoài nghi liệu có phải do tác dụng phụ của các loại thuốc được sử dụng để điều trị Covid-19 cho Tổng thống gây ra. "Tin tôi đi, đã có người cho rằng steroid có thể ảnh hưởng tới năng lực tư duy", Pelosi nói.
Nhà phân tích của CNN cho rằng hành động bất thường đó của Trump là dấu hiệu cho thấy ông ấy ngày càng tỏ ra hoảng sợ khi nhận ra tình thế của mình trong cuộc bầu cử ngày 3/11.
Cillizza cũng dẫn chứng thêm tình hình khó khăn của Tổng thống Mỹ hiện tại. "Sau 4 ngày điều trị tại quân y viện vì nhiễm nCoV, ông ấy trở về Nhà Trắng, nơi đang trở thành một cụm dịch Covid-19. Vợ ông ấy dương tính với virus. Thư ký báo chí của ông ấy cũng vậy. Quản lý chiến dịch tranh cử và cố vấn cấp cao Stephen Miller cùng chung cảnh ngộ", Cillizza cho biết.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát kể từ sau cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên cũng ngày càng bất lợi với Trump, khi Biden liên tục nới rộng khoảng cách.
Cillizza cho rằng không cần phải chuyên gia về Twitter hay nhà tâm lý học, những gì Tổng thống thể hiện trên Twitter đều khiến mọi người dễ dàng thấy được ông đang công kích một cách bừa bãi để khiến tâm trạng tốt hơn và xua đi nỗi lo sợ thất cử.
"Tổng thống đang hoảng loạn về triển vọng chính trị của ông ấy. Chấm hết", Cillizza nhận định.
Thanh Tâm (Theo Politico, CNN)