"Tôi trở lại vì tôi là một cá thể hoàn hảo về thể chất và tôi cực kỳ trẻ trung. Tôi là người rất may mắn vì điều đó", Tổng thống Mỹ Donald Trump, 74 tuổi, phát biểu trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Fox Business hôm 8/10. "Về cơ bản, tôi đã sạch virus. Tôi không nghĩ rằng mình có khả năng lây nhiễm nữa".
Theo cập nhật mới nhất về sức khỏe của Tổng thống Mỹ do bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley công bố, ông đã hoàn thành liệu trình điều trị Covid-19 hôm 8/10 và phản ứng "cực kỳ tốt". Sáng hôm đó, ông cho biết vẫn đang dùng dexamethasone, một loại steroid giảm sốt.
Bác sĩ Conley cho hay 10/10 sẽ là ngày thứ mười từ khi Tổng thống Mỹ được chẩn đoán nhiễm nCoV và Trump có thể "an toàn tiếp xúc cộng đồng từ thời điểm đó".
Các trợ lý của Trump đang lên lịch trình vận động tranh cử trở lại cho Tổng thống, bao gồm tham dự những sự kiện nhỏ vào tuần tới. Trong cuộc phỏng vấn hôm qua, Trump cho biết ông dự định tổ chức mít tinh ở Florida vào tối 10/10.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), đa số người nhiễm nCoV có thể ngừng cách ly và tiếp xúc gần trở lại với người khác khoảng 10 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, với điều kiện các triệu chứng được cải thiện, không bị sốt trong vòng 24 giờ và không còn phải dùng bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào. Tuy nhiên, không có cách nào để biết một người còn khả năng lây nhiễm hay không trong thời gian ngắn sau khi bị ốm.
"Tại thời điểm nay, không có xét nghiệm chẩn đoán nào cho biết liệu người nhiễm còn khả năng lây hay không", tiến sĩ Benjamin Pinsky, người đứng đầu phòng thí nghiệm virus học của Đại học Stanford, nói. "Đây hoàn toàn là một ẩn số".
Từ khi Trump trở lại Nhà Trắng hôm 5/10, không phóng viên nào được nhìn tận mắt Tổng thống, người cập nhật tình hình qua Twitter và một vài video trực tuyến, cũng như chỉ giao tiếp với một số nhân viên thân cận. Các bác sĩ điều trị cho ông cũng không tổ chức bất kỳ cuộc họp báo nào từ khi Trump xuất viện, chỉ đưa ra tuyên bố với lượng thông tin ít ỏi.
"Chúng ta, những người đang theo dõi từ bên ngoài chỉ được biết thông tin thụ động, đến mức tôi chỉ gọi đó là những lời ám chỉ" về sức khỏe của Tổng thống cũng như khả năng ông không còn lây nhiễm, tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nói.
Hồi đầu tuần, các bác sĩ của Tổng thống cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ sở nghiên cứu y tế của quân đội và những phòng thí nghiệm khác về "các xét nghiệm chẩn đoán tiên tiến" để xác định thời điểm Tổng thống không còn khả năng lây nhiễm nữa, nhưng không nói chi tiết hơn. Họ cũng không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về những kết quả xét nghiệm ông đã làm, bao gồm thời điểm âm tính lần cuối trước khi nhiễm nCoV.
Tiến sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ, cho biết hai xét nghiệm PCR âm tính cách nhau 24 giờ là yếu tố then chốt để xác định một người còn khả năng lây nCoV hay không.
"Do đó nếu Tổng thống đã trải qua 10 ngày mà không còn xuất hiện triệu chứng và họ có làm những xét nghiệm mà chúng ta đang nói tới, khi đó mới có thể đưa ra giả định dựa trên cơ sở khoa học là ông ấy không còn khả năng lây nữa", Fauci nói hôm 8/10.
Các xét nghiệm có độ nhạy cao như PCR phát hiện virus trong mẫu tăm bông lấy mẫu dịch hầu họng. Tiến sĩ William Morice, người giám sát các phòng thí nghiệm ở Bệnh viện Mayo, cho hay khi sử dụng công cụ này, đội ngũ y tế của Tổng thống về lý thuyết có thể đo đếm và theo dõi số lượng virus trong các mẫu theo thời gian.
"Nếu họ làm xét nghiệm hàng ngày, có thể nhận thấy lượng virus giảm xuống", Morice nói. "Nếu lượng virus của ông ấy thấp, khả năng lây nhiễm cho người khác cũng thấp".
Còn một cách thử khác là lấy mẫu của Tổng thống và nhân bản virus trong môi trường nuôi cấy tế bào. Nếu nó vẫn tiếp tục nhân bản, chứng tỏ virus vẫn hoạt động. Cách này ít nhạy hơn so với xét nghiệm PCR và đôi lúc không hiệu quả. Phương pháp này cũng không thể áp dụng ở quy mô lớn cho nhiều bệnh nhân Covid-19.
"Nó sẽ tốn thời gian hơn, mất nhiều phi phí hơn, mà chúng ta thì không đủ phòng thí nghiệm để thực hiện", Schaffner nói.
Còn một khả năng khác để kiểm tra xem Trump còn nguy cơ lây nhiễm hay không là sử dụng những phương pháp xét nghiệm mới đang được thực hiện ở một số phòng nghiên cứu nhằm tìm kiếm bằng chứng cho thấy virus vẫn đang nhân lên trong tế bào theo thời gian thực. Tuy nhiên, công nghệ này còn quá mới để có thể loại trừ ai đó còn khả năng lây hay không, Pinsky nói.
"Không có phương pháp nào hoàn hảo cả", Gigi Gronvall, chuyên gia Trung tâm An ninh Y tế John Hopkins nói. "Đó là lý do cần tới các cơ chế kiểm soát y tế cộng đồng khác" như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách khi tiếp xúc ngoài xã hội để ngăn ngừa virus lây lan.
Hồng Hạnh (Theo AP)