Cuộc khủng hoảng năng lượng đã giúp các nhà máy lọc dầu Mỹ tăng lợi nhuận kỷ lục, nhưng chủ sở hữu một cơ sở lọc dầu lớn nhất vùng đông bắc Mỹ không ngần ngại phá bỏ nó.
Hilco Redevelopment Partners đã dỡ bỏ hơn 1.500 km đường ống của nhà máy lọc dầu Philadelphia Energy Solutions ở bang Pennsylvania. Công ty đang chi hàng trăm triệu USD để chuyển đổi khu đất rộng hơn 526 hecta dọc sông Schuylkill thành một khuôn viên xanh, công nghệ cao cho các công ty thương mại điện tử và khoa học đời sống.
"Tôi thậm chí không biết làm thế nào để vận hành một nhà máy lọc dầu", Roberto Perez, giám đốc điều hành của Hilco, đơn vị mua lại khu đất trong một cuộc đấu giá năm 2020, một năm sau vụ nổ lớn tại nhà máy lọc dầu Philadelphia Energy Solutions làm rung chuyển thành phố. "Đó không phải những gì chúng tôi muốn làm".
Nhiều nhà máy lọc dầu trên khắp nước Mỹ cũng dần đóng cửa và chuyển đổi mục đích sử dụng, khi các chủ sở hữu lo ngại về chi phí nâng cấp công nghệ, cũng như kế hoạch từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Mỹ, khiến tương lai của họ trở nên bấp bênh. Quy mô ngành lọc dầu Mỹ liên tục bị thu hẹp, trái ngược với chiều hướng giá xăng cao kỷ lục và nhu cầu toàn cầu tăng giữa căng thẳng với Nga, nước lọc dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.
5 nhà máy lọc dầu đã đóng cửa tại Mỹ trong hai năm qua, giảm 5% công suất lọc dầu của quốc gia và cắt khoảng một triệu thùng dầu mỗi ngày khỏi thị trường, khiến các cơ sở còn lại phải gồng mình đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cao giữa khủng hoảng.
Ngay cả ở thời điểm sinh lời kỷ lục này, Nhà Trắng khó có thể thuyết phục các chủ xưởng mở rộng sản xuất nhằm giảm giá xăng dầu. Tổng thống Joe Biden đã gửi thư cho các tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ, đe dọa sử dụng quyền lực khẩn cấp nếu họ không nỗ lực giảm giá xăng. Tuy nhiên, các ông lớn xăng dầu Mỹ không thay đổi quan điểm.
Nhiều công ty lọc dầu đã thua lỗ nghiêm trọng do nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh trong đại dịch. Những biến động khó đoán trên thị trường dầu mỏ cũng tạo ra môi trường kinh doanh đầy thách thức. Ngay cả khi lợi nhuận trên mỗi thùng dầu tinh chế tăng từ 1-2 USD lên 18 USD, các nhà đầu tư tỏ ra không mặn mà.
Họ sợ mức lợi nhuận này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các ưu tiên bảo vệ môi trường của chính phủ Mỹ, cũng như mối quan tâm ngày càng tăng của công chúng và doanh nghiệp về biến đổi khí hậu, sẽ khiến nhiều nhà máy lọc dầu trở nên lỗi thời trong tương lai không xa.
Xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng lọc dầu rất tốn kém và có thể kéo dài hơn một thập kỷ, gây áp lực tài chính cho ngay cả những gã khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch. Dự án thậm chí có nguy cơ bị bỏ dở trước khi các nhà đầu tư kịp thu hồi vốn.
"Tôi không cho rằng bạn sẽ thấy một nhà máy lọc dầu nào được xây dựng lại ở nước này", Michael Wirth, giám đốc điều hành của Chevron, cho biết. "Đã 50 năm kể từ khi chúng tôi xây dựng một nhà máy mới. Ở đất nước mà chính phủ đang nỗ lực giảm nhu cầu đối với sản phẩm này, bạn sẽ không tìm thấy các công ty đầu tư hàng tỷ USD vào đây".
Nhà máy lọc dầu lớn đi vào hoạt động gần đây nhất ở Mỹ là cơ sở thuộc sở hữu của Marathon Oil ở Garyville, bang Louisiana vào năm 1977. Nó có khả năng lọc 578.000 thùng dầu mỗi ngày. Kể từ khi Marathon Oil đi vào hoạt động, hơn một nửa nhà máy lọc dầu ở Mỹ đã đóng cửa. Một cơ sở lọc dầu lớn của LyondellBasell ở Houston, bang Texas, có khả năng lọc khoảng 264.000 thùng dầu thô mỗi ngày, đang được rao bán.
"Nếu có ai đó tin rằng cơ sở lọc dầu ở Houston sẽ là doanh nghiệp phát triển mạnh trong tương lai, họ có thể mua nó", Jacques Rousseau, giám đốc điều hành ClearView Energy Partners, công ty nghiên cứu độc lập, nói.
Nhưng vấn đề là không ai muốn mua nó. Không một hồ sơ đấu thầu nào được nộp để mua nhà máy.
Trong trường hợp không thể bán, LyondellBasell dự kiến đóng cửa hoạt động cơ sở này trước cuối năm sau. Công ty cho biết từ bỏ cơ sở lọc dầu "là con đường tốt nhất về chiến lược và tài chính cho tương lai".
"Đây là những nhà máy cũ kỹ cần được thay thế, đại tu", Ed Hirs, một nhà kinh tế học năng lượng tại Đại học Houston, nói. "Riêng việc đợi các thiết bị cần thiết cũng có thể mất tới 3 năm. Khi đó xe điện đã có thể chiếm lĩnh 20% thị trường. Bạn sẽ thấy mình đang đầu tư một đống tiền để xây một nhà máy có thể không cần thiết trong tương lai".
Nhà Trắng sẽ phải thực hiện nhiều động thái quyết liệt để buộc các công ty dầu khí phải lọc nhiều dầu hơn. Ông Biden có thể viện dẫn quyền lực khẩn cấp để hạn chế xuất khẩu xăng dầu hoặc buộc các công ty khởi động lại hoạt động của các nhà máy lọc dầu đã ngừng vận hành.
Nhưng giới phân tích cho rằng bất kỳ động thái mang tính thúc ép nào của Nhà Trắng để tăng sản xuất có thể phản tác dụng. Nó có thể khiến các công ty chuyển hoạt động ra nước ngoài, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhiên liệu ở Mỹ.
"Vấn đề là chúng tôi đang vận hành tối đa công suất của các nhà máy lọc dầu. Yêu cầu ngành lọc dầu phải gồng thêm nữa là không thể", Jason Bordoff, giám đốc sáng lập Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu ở Đại học Columbia, nói.
Trường hợp của Philadelphia Energy Solutions cho thấy quyền lực của Nhà Trắng không có nhiều tác động trong lĩnh vực này.
Nhà máy lọc dầu Philadelphia đã rơi vào tình trạng phá sản một năm trước khi xảy ra vụ nổ năm 2019, do vấp phải cạnh tranh quyết liệt từ các nhà máy lọc dầu vùng duyên hải vịnh Mexico và vùng Trung Tây vốn nhận dầu trực tiếp từ mỏ khai thác qua đường ống. Các nhà máy lọc dầu này có thể bán sản phẩm với giá rẻ hơn nhiều so với cơ sở Philadelphia, nơi chỉ có thể nhận dầu thô thông qua vận chuyển bằng tàu hỏa.
Giống nhiều cơ sở lọc dầu quốc gia, nhà máy ở Philadelphia không được trang bị công nghệ có thể xử lý tất cả các loại dầu thô. Nó không thể xử lý dầu thô nặng từ cát hắc ín của Canada, vốn được bán với giá rẻ trên thị trường, khiến cơ sở Philadelphia thêm khó khăn về tài chính.
Những lo ngại về quy định an toàn và lượng khí thải nhà kính của thành phố cũng khiến triển vọng tài chính và sức hút đầu tư của nhà máy trở nên u ám.
"Đây là một hiện tượng mà chúng tôi đang thấy phổ biến trên khắp nước Mỹ", Cary Coglianese, giám đốc tại Penn Law, nói. "Rất nhiều người lớn lên quanh các nhà máy lọc dầu này mà không được hưởng lợi từ những công việc họ tạo ra, trong khi chính họ phải hứng chịu rủi ro. Nó thay đổi sân chơi chính trị một cách đáng kể".
Perez, giám đốc điều hành của Hilco, nhớ lại khi một đồng nghiệp đề xuất ý tưởng mua lại nhà máy lọc dầu ở Philadelphia. Ông khi đó cảm thấy không hứng thú khi nghĩ tới chi phí hàng trăm triệu USD để dọn dẹp cùng các khoản chi phí môi trường khổng lồ và nhiều năm trời tháo dỡ đường ống, thiết bị hạng nặng.
"Tôi đã nói 'chúng ta không mua nhà máy lọc dầu'. Tôi thậm chí không cần đi xem nó", ông kể lại cuộc thảo luận với đồng nghiệp.
Tuy nhiên, Perez đã bị thuyết phục và khi tới thăm cơ sở này, ông nhận ra những tiềm năng của nó, nhưng không phải ở lĩnh vực lọc dầu. Khu đất mà nhà máy tọa lạc có vị trí chiến lược, khi nằm gần đường tới sân bay, trung tâm thành phố và cảng.
"Cộng đồng xung quanh đã rất phấn khích với cam kết phá dỡ nhà máy lọc dầu. Ngay trong ngày đầu tiên nhà máy đóng cửa, chúng tôi đã bắt đầu nỗ lực chấm dứt 150 năm hoạt động lọc dầu ở đây", ông Perez nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)