Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, mối đe dọa từ các vụ lừa đảo tài chính ngày càng trở nên phổ biến và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, từ những vụ việc như thế, bên cạnh những thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu, chúng ta còn thấy sự thiếu hỗ trợ từ các tổ chức tài chính, cụ thể là các ngân hàng, khi khách hàng của họ trở thành nạn nhân của lừa đảo.
Gần đây, có nhiều trường hợp khách hàng của ngân hàng bị lừa đảo một cách tinh vi thông qua các kỹ thuật như: vishing (gọi điện để lừa đảo), phishing (giả mạo email), keylogging (dùng phần mềm độc hại), smishing (tin nhắn lừa đảo), social engineering (đánh cắp thông tin tài khoản)... Đáng tiếc, thái độ của nhiều ngân hàng trong việc hỗ trợ các khách hàng sau khi họ bị lừa hoặc bị hacker tấn công tài khoản lấy mất tiền... lại chưa đúng mức.
Tôi nhận thấy, khách hàng khi báo cáo về sự việc bị lừa đảo chỉ nhận lại một phản ứng chậm chạp, lúng túng của các ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng sẽ ghi nhận, còn việc tra soát, xử lý tiếp theo chưa rõ ràng. Mới đây, tôi có đọc trường hợp của người đàn ông mất gần 500 triệu đồng trong tài khoản mà ba tháng rồi vẫn chưa được ngân hàng phản hồi.
Vậy, chúng ta cần làm gì để thay đổi nhanh tình trạng này? Theo tôi, các ngân hàng cần phải đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ và cung cấp hỗ trợ đáng tin cậy cho khách hàng bị lừa đảo. Điều này bao gồm việc cung cấp thông tin cập nhật về các mối đe dọa và biện pháp phòng ngừa, xây dựng các kênh hỗ trợ khách hàng hiệu quả, và thúc đẩy sự hợp tác giữa ngân hàng và khách hàng trong việc giải quyết các vấn đề bảo mật.
>> Lương 7 triệu vẫn 'bị' ngân hàng mời mở thẻ tín dụng
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần tiến hành kiểm tra và đánh giá các chính sách bảo vệ người tiêu dùng của các ngân hàng và đặt ra các tiêu chuẩn rõ ràng về việc báo cáo và xử lý các trường hợp lừa đảo tài chính, kèm theo đó là các biện pháp, chế tài phù hợp nếu các nhà băng không thực hiện trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ khách hàng gặp sự cố.
Hơn lúc nào hết, các cơ quan quản lý, các ngân hàng cần phải hành động ngay hoặc chí ít là các nhà băng phải phải thay đổi ngay thái độ thờ ơ, vô cảm khi nhận được phản ánh từ những người bị hại, có trách nhiệm hơn với khách hàng của mình, để có thể giúp bảo vệ khách hàng và xây dựng một môi trường tài chính an toàn và đáng tin cậy.
Trương Quốc Thanh
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.