Đại diện các ngân hàng cho rằng việc khách hàng để lộ thông tin cá nhân là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không vay vẫn mắc nợ. Không đồng tình với lập luận này, nhiều độc giả VnExpress cho rằng, việc thông tin cá nhân bị lộ không phải lỗi của khách hàng:
Tôi dùng ba số điện thoại, trong đó có một số chỉ để đăng ký với các ngân hàng, nhận mã OTP. Thế nhưng, không hiểu sao tôi vẫn bị làm phiền bởi chính các nhân viên ngân hàng gọi chào mở thẻ tín dụng, các công ty bất động sản và các quỹ đầu tư, các công ty giáo dục. Thậm chí, nhiều nhân viên còn có thể biết được nơi tôi làm việc, mức lương bao nhiêu... Vì vậy, tôi hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng không phải cá nhân để lộ thông tin mà chính ngân hàng đang để lộ thông tin tài chính của khách hàng.
Nhân viên ngân hàng cũng muốn làm nhanh, ăn doanh số, nên nhiều khi làm ẩu. Lỗi là lỗi của nhân viên ngân hàng. Khách hàng vô can. Còn nếu nói chúng tôi để "lộ thông tin cá nhân" thì thời đại 4.0 như hiện nay, việc bảo mật thông tin cá nhân là cực kỳ khó.
>> Vay ngân hàng theo kiểu 'bia kèm lạc'
Công nghệ hiện nay dư sức bảo vệ, nhưng tại sao các ngân hàng không áp dụng? Nhận diện khuôn mặt kè dấu vân tay hay mã số thứ tự khách hàng giao dịch gửi, chuyển, rút tiền tại ngân hàn , qua smartphone hoặc ATM đều có thể ứng dụng. Thông tin khách hàng lộ ra từ đâu? Chính là từ các hệ thống giao dịch ngân hàng Mỗi khi tôi giao dịch ở một ngân hàng bất kỳ nào đó, khi ra về y như rằng điện thoại của tôi liên tục nhận tin nhắn rác và các cuộc gọi giới thiệu bất động sản, bảo hiểm nhân thọ, dịch vụ... Tại sao trùng hợp ngẫu nhiên đến vậy?
Hiện nay, có rất nhiều công ty, tổ chức, đơn vị hành chính sự nghiệp... vẫn yêu cầu người dân cung cấp thông tin số nhà, số điện thoại, ngày tháng năm sinh... khi tới làm việc. Vậy nên, việc để lộ các thông tin cá nhân này sao xác định được do đơn vị lưu trữ hay do cá nhân? Ở Việt Nam, việc bảo mật các thông tin cá nhân này thường rất bị coi thường, không được xem trọng và nhiều người bảo tôi rằng chẳng có gì để bảo mật, chẳng có gì để mất. Nhưng việc người dân không vay tiền mà vẫn bị nợ ngân hàng này lỗi hoàn toàn thuộc về ngân hàng, không thể nói do người dân được.
Thông tin khách hàng tiềm năng bây giờ gọi là data. Các công ty rất cần những data này để phát triển chuỗi khách hàng tiềm năng nên thường sẽ phải tự phát triển hoặc mua từ nhiều nguồn khác. Việc bảo mật thông tin cá nhân giờ rất khó vì khi bạn mua một món hàng trả góp từ công ty tài chính có uy tín cỡ nào chăng nữa thì việc lộ là điều chắc chắn. Đơn giản, để kiểm chứng, bạn chỉ cần vay tiêu dùng, hoặc trả góp ở một công ty tài chính A, thì một thời gian sau sẽ có các công ty tài chính, bảo hiểm B, C, D nhắn tin, gọi điện để mời chào các sản phẩm bên họ. Tôi cũng từng mắc phải một trường hợp vay từ một người xa lạ, và không hiểu sao mình lại trở thành người bảo lãnh? Khi người vay không trả, tôi liên tục bị làm phiền. Chỉ đến khi tôi dọa kiện thì họ mới thôi. Cần lắm một chế tài để những người không liên quan không bị phiền lụy như vậy. Việc đổ lỗi càng làm người tiêu dùng chân chính dè chừng với việc trả góp này".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.