Làng quê thanh bình bỗng chốc xôn xao vì vụ vỡ nợ của gia đình anh A; chị B tự tử vì bị chủ nợ khủng bố tinh thần; chị C vừa bị côn đồ đánh chấn thương do không trả được nợ, cậu D vừa bị công an bắt do hành hung người... Đó là những câu chuyện mà tôi được bà kể sau những lần về quê. Tất cả những câu chuyện này liên quan đến một vấn đề phổ biến trong xã hội hiện nay, đó là cho vay nặng lãi, hay còn gọi là "tín dụng đen".
"Tín dụng đen" là gì?
Tín dụng đen là loại hình tín dụng phi chính thức, với hoạt động cho vay mượn lẫn nhau giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân và tổ chức. Nó những đặc điểm chủ yếu như sau: không được pháp luật thừa nhận; lãi suất huy động cao (thường trên 50%/năm, thậm chí đến 70%/năm; lãi suất cho vay rất cao (thường trên 100%/năm); điều kiện cho vay đơn giản (không dự án đầu tư, không tài sản thế chấp, không hợp đồng vay vốn); thời gian giải ngân vốn nhanh, thậm chí chỉ 30 phút sau khi yêu cầu; thời hạn huy động và cho vay ngắn, phổ biến là hàng tháng, hàng năm...
Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Khoan nói về những ưu điểm của tín dụng đen so với tín dụng chính thức như điều kiện, thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng, nhiều hạn mức cho vay, giải ngân nhanh, phương thức trả nợ linh hoạt..., một trong những lý do căn bản khiến tín dụng đen phát triển đó chính là: nhu cầu cấp bách về vốn của các cá nhân và tổ chức, trong khi thiếu các điều kiện để được vay chính thống, tình trạng thất nghiệp và giảm thu nhập của một bộ lớn dân cư do ảnh hưởng của dịch bệnh (theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, đến hết 30/6/2020, cả nước có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 như mất việc làm, nghỉ việc, giảm việc, giảm giờ làm...). Từ đó, dẫn đến sự gặp gỡ về cung và cầu tín dụng đen.
Bất kỳ một quan hệ kinh tế nào cũng đều dựa trên nguyên tắc "thuận mua, vừa bán". Tôi có nhu cầu vay để giải quyết gấp vấn đề của tôi và anh có một khoản tiền nhàn rỗi muốn thu lợi được nhiều hơn so với gửi ngân hàng, và chúng ta gặp nhau.
>> Gia đình điêu đứng vì mẹ cầm sổ đỏ vay trăm triệu
Vậy trước khi lựa chọn tín dụng đen với lãi suất vay cao như vậy, người đi vay có nghĩ được rằng mình sẽ có khả năng không trả được nợ và lãi không? Tôi tin là có, những vì một lý do nào đó, họ vẫn "nhắm mắt đưa chân" để cầu một vận may nào đó trong tương lai. Và bên còn lại, người cho vay chắc hẳn cũng nghĩ được rằng khả năng người đi vay sẽ không trả được nợ với lãi suất cắt cổ, khiến họ sẽ mất luôn khoản tiền này. Nhưng họ tin rằng với những công cụ có trong tay, họ sẽ đủ sức để bắt người vay trả lại mình.
Và bi kịch sẽ xảy ra khi hết thời điểm cho vay mà bên vay không trả được nợ: tình trạng cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, hủy hoại tài sản, lừa đảo, bôi nhọ danh dự, khủng bố về tinh thần, sức khỏe... và thậm chí là đe dọa cả tính mạng, giết người cũng từ đây mà phát sinh để bên cho vay tìm cách thu lại được khoản tiền và phần lãi của mình. Điều này góp phần gây bất ổn, mất an ninh trật tự và dẫn đến những hệ lụy tiêu cực trong xã hội.
Theo một thống kê chưa chính thức, bình quân cả nước ta có gần 2.000 vụ phạm tội mỗi năm liên quan đến tín dụng đen. Tuy nhiên, tất cả những thống kê trên cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi hoạt động tín dụng đen thường "núp bóng" dưới các hình thức kinh doanh như: tiệm cầm đồ, công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê; công ty tài chính hoạt động biến tướng dưới các hình thức khuyến mãi, đại lý hoa hồng, huy động vốn để đầu tư... với lãi suất cao; các cá nhân chơi hụi, họ, phường huy động vốn với lãi suất cao bất thường; các tổ chức cho vay trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội, ứng dụng di động với lãi suất rất cao... Và cùng với đó, hàng ngàn vụ án còn chưa phát hiện do người bị hại không dám tố cáo.
Loại trừ tín dụng đen thế nào?
Đã có rất nhiều đề xuất và giải pháp để giải quyết vấn đề trên như đẩy mạnh phát triển đa dạng các loại hình tín dụng chính thống, tăng nguồn cung tín dụng, nới lỏng các điều kiện cho vay với lãi suất hợp lý; tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đơn giản hóa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp... Cùng với đó, Nhà nước cũng nghiên cứu điều chỉnh khung pháp lý, ban hành các điều khoản, chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng huy động và cho vay tín dụng đen...
Tuy nhiên, những giải pháp trên chắc chắn sẽ khó đi vào cuộc sống để giải quyết được vấn nạn tín dụng đen vì nhiều lý do: chưa dễ để thực hiện, chưa thu hút được chú ý của bộ phận đang có nhu cầu vay, chưa được phổ biến rộng rãi trong xã hội và chưa đúng thời điểm (theo lý thuyết kinh tế học hành vi của Thaler).
Maslow đã chỉ ra năm nhu cầu cơ bản của con người xếp theo thứ bậc từ thấp đến cao gồm: cơ bản, an toàn, quan hệ xã hội, tôn trọng và thể hiện. Khi người ta vẫn còn đang loay hoay với những nhu cầu cơ bản như cơm, áo, gạo, tiền, làm sao tác động vào ý thức hệ của mỗi con người để họ nhìn thấy được hậu quả của tín dụng đen mang lại? Hay chí ít là giúp họ được sống an toàn, để cung và cầu của loại hình này không gặp nhau, từ đó không tạo cơ hội cho tín dụng đen còn đất sống và phát triển. Đây có lẽ là giải pháp căn bản cần được tập trung nghiên cứu để loại trừ virus "tín dụng đen" trong xã hội như cách chúng ta đã phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Vũ Hồng Thanh
Chuyên gia kinh tế