Trong cuộc phỏng vấn với RT ngày 18/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích một số quan chức cấp cao phương Tây, trong đó có Ngoại trưởng Anh Liz Truss, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, vì tiếp tục cáo buộc "Nga sắp tấn công Ukraine" và khiến dư luận lo lắng về nguy cơ một cuộc chiến nổ ra.
"Dù Nga có làm gì, phương Tây vẫn tiếp tục nói về cách chúng tôi đe dọa Ukraine thế nào", Lavrov cho biết. "Họ cáo buộc rằng dù Nga rút quân, mối đe dọa vẫn còn. Dù Nga kết thúc các cuộc diễn tập và các đơn vị rút về căn cứ, mối đe dọa họ vẽ ra vẫn tồn tại mãi mãi".
Ngoại trưởng Nga nói các quan chức phương Tây đưa ra tuyên bố "Nga lên kế hoạch tiến đánh Ukraine" vì thích làm như thế. "Nếu họ thích thú với việc cáo buộc Nga, cứ để họ dành thời gian hưởng thụ thú vui đó", Lavrov nói.
"Tôi chắc rằng các nhà quan sát chính sách đối ngoại bình thường từ lâu tự khẳng định rằng tất cả cáo buộc đó đều là tuyên truyền, tin vịt và hư cấu", ông nói.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng NATO, chứ không phải Nga, mới là bên làm tổn hại đến an ninh châu Âu bằng cách triển khai binh sĩ và hạ tầng quân sự gần biên giới với Nga. Ông hy vọng sẽ tiếp tục đàm phán với người đồng cấp Mỹ về cách Nga và phương Tây dung hòa những quan ngại về an ninh châu Âu.
Nga tuần này công bố phản hồi với văn bản hồi đáp của Mỹ và NATO về đề xuất an ninh 8 điểm được Moskva nêu ra tháng 12/2021. Nga nói Mỹ và NATO chỉ trả lời những nội dung thứ yếu và phớt lờ mối quan ngại chủ chốt về an ninh của Moskva.
Lavrov cho biết ông nhất trí với Ngoại trưởng Blinken rằng sau khi Nga gửi phản hồi, "Mỹ sẽ nghiên cứu quan điểm của chúng tôi về tình hình và ông ấy sẽ chuẩn bị gặp mặt". "Chúng tôi muốn giải thích cho các đồng nghiệp Mỹ và tất cả thành viên NATO rằng chúng tôi không thể hài lòng với những lời hứa của họ", Ngoại trưởng Nga nói.
NATO trước đó bác yêu cầu của Nga về dừng mở rộng về phía đông và rút binh sĩ được triển khai gần nước này. NATO cũng tuyên bố không thỏa hiệp với chính sách mở cửa, do đó không hủy cam kết giới thiệu Ukraine làm thành viên mới mà các lãnh đạo liên minh đưa ra năm 2008.
Mỹ và phương Tây trước đó cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tiến đánh Ukraine. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Nga những ngày qua thông báo rút các đơn vị gần biên giới Ukraine và bán đảo Crimea sau khi hoàn tất diễn tập, song chưa công bố cụ thể quân số và lượng khí tài được rút về. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán, đồng thời đáp trả cáo buộc từ tình báo phương Tây rằng họ sẽ tấn công Ukraine ngày 16/2.
Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây hoài nghi tuyên bố của Nga, yêu cầu Moskva có động thái rút quân thực chất. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bác bỏ quan điểm cho rằng mối đe dọa ở biên giới Nga - Ukraine đã giảm bớt.
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/2, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cáo buộc Nga đang tạo cớ chuẩn bị hợp thức hóa tiến đánh Ukraine trong vài ngày tới. Ông đồng thời kêu gọi giới lãnh đạo Nga từ bỏ phương án này và giải quyết vấn đề Ukraine bằng "con đường khác khi vẫn còn thời gian".
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày nói rằng "mọi dấu hiệu cho thấy họ đang chuẩn bị tiến vào Ukraine, tấn công Ukraine. Tôi cảm thấy họ sẽ hành động trong vài ngày tới".
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Nguyễn Tiến (Theo RT)