Giữa lúc bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây vì xung đột Ukraine, Nga nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới để bán dầu với giá ưu đãi, đặc biệt ở châu Á. Tuy nhiên, động thái này của Nga lại làm nóng cuộc cạnh tranh tại thị trường châu Á, buộc Venezuela và Iran phải giảm giá mạnh để cố gắng duy trì lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của mình.
"Xung đột Ukraine đã cho thấy các quốc gia chỉ quan tâm tới lợi ích, chứ không phải bạn bè hay kẻ thù", Francisco Monaldi, một chuyên gia chính trị về dầu mỏ Venezuela ở Đại học Rice, nói.
Daniel Yergin, chuyên gia năng lượng của Mỹ, cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng đã phơi bày những tàn tích cuối cùng của nền kinh tế toàn cầu thời hậu Chiến tranh Lạnh, báo trước một kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực mới trong thế giới ngày càng chia rẽ.
"Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đã trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh mới này", ông nói.
Đà tăng giá trong khủng hoảng đã biến dầu và khí đốt trở thành vũ khí mạnh nhất của Tổng thống Vladimir Putin để chống lại sức ép từ phương Tây, mang lại cho ông sức mạnh địa chính trị vượt xa vị thế nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới của Nga.
Sau khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt loạt lệnh trừng phạt chưa từng thấy, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ Nga. Họ hy vọng chiến thuật này sẽ giúp cắt giảm đáng kể nguồn thu từ năng lượng, khiến Nga khó có thể tiếp tục cuộc chiến.
Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó không giống như phương Tây mong đợi. Giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, giúp Nga đạt doanh thu kỷ lục từ dầu mỏ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực một lần nữa để tăng sức ép với Nga. Tổng thống Biden tuần này dự kiến gặp lãnh đạo Arab Saudi để hối thúc Riyadh bơm thêm dầu ra thị trường nhằm hạ nhiệt giá năng lượng.
Tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 ở Indonesia tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thuyết phục các nền kinh tế lớn nhất thế giới ủng hộ đề xuất áp giá trần với dầu Nga. Mục tiêu của ý tưởng này là vừa bóp nghẹt nguồn doanh thu quan trọng của Điện Kremlin, vừa ngăn một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có khả năng gây ra thảm họa. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ý tưởng này có khả năng được thực hiện hiệu quả đến mức nào.
Lợi thế trong cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và phương Tây đến nay vẫn nghiêng về phía Moskva. Nhưng giới quan sát cho rằng chính sách giảm giá để thu hút khách hàng châu Á của Nga có thể gây căng thẳng với Iran và Venezuela, hai đồng minh thân cận của Moskva, khiến hai nước phải tìm biện pháp đối phó.
Venezuela và Iran coi các số liệu liên quan tới dầu mỏ là bí mật quốc gia, nên rất khó để biết doanh thu từ năng lượng của họ đang tăng hay giảm. Nhưng theo các chuyên gia năng lượng và giám đốc công ty dầu mỏ Venezuela, mức chiết khấu mà tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA đưa ra với khách hàng Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục kể từ khi xung đột quân sự Ukraine nổ ra.
Một thùng dầu thô Merey của Venezuela hiện được bán ở châu Á với giá thấp hơn 45 USD so với giá dầu Brent, loại dầu thô được sử dụng để định giá dầu toàn cầu và hiện được giao dịch ở mức khoảng 100 USD mỗi thùng. Trước xung đột, mức chiết khấu chỉ bằng một nửa hiện tại, theo một giám đốc dầu mỏ Venezuela.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, các công ty vận chuyển Nga cũng ngừng thanh toán cho PDVSA số dầu thô mà họ bán hộ ở thị trường châu Á, khiến Venezuela mất đi nguồn thu quan trọng. Năm ngoái, mô hình hợp tác này đã giúp Venezuela thu về 1,5 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng doanh thu từ dầu mỏ của nước này.
"Giữa làn sóng trừng phạt của phương Tây, Nga gặp rất nhiều khó khăn để chứng minh mình vẫn là đồng minh đáng tin cậy của Venezuela. Mối quan hệ kinh tế từng rất gắn bó giữa hai bên đang bị rạn nứt", Risa Grais-Targow, chuyên gia Mỹ Latinh tại Eurasia Group, nói.
Sara Vakhshouri, chuyên gia dầu mỏ tại SBV Energy International, cho biết Iran cũng đang đối mặt vấn đề tương tự. Bà nói Trung Quốc đã ưu tiên nhập khẩu dầu từ Nga, một phần bởi hai nước có mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn. Từ cuối tháng 3 tới cuối tháng 5, doanh thu bán dầu của Iran chỉ đạt 37% so với dự kiến, theo Trung tâm Kiểm toán Tối cao Iran.
Một thương nhân dầu mỏ Iran giấu tên cho biết việc cạnh tranh với Nga đã khiến xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc giảm hơn 1/3 so với trước xung đột. Người này thêm rằng dầu xuất khẩu của Iran sang châu Á đã giảm một nửa, xuống 700.000 thùng mỗi ngàỳ.
"Iran đang gặp bất lợi lớn về kinh tế và chính trị kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra", Alireza Haghighi, nhà phân tích chính trị ở Canada, cho hay.
Các đồng minh khác của Điện Kremlin cũng phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng khi Nga sử dụng năng lượng như một đòn bẩy chính trị. Tuần trước, một tòa án ở Moskva bất ngờ yêu cầu đường ống vận chuyển dầu thô từ Kazakhstan qua Nga đóng cửa một tháng, với lý do vi phạm quy định về môi trường.
Phán quyết của tòa án dường như là lời cảnh báo đối với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, người tuyên bố sẽ không công nhận độc lập hai vùng ly khai do Nga hậu thuẫn ở Ukraine.
Cả Iran và Venezuela thời gian qua đều công khai thể hiện tình đoàn kết với Nga. Trong các cuộc gặp sau khi xung đột Ukraine bắt đầu, các quan chức hàng đầu của Điện Kremlin và những người đồng cấp Iran, Venezuela đều tuyên bố sát cánh cùng nhau để vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nhưng giá năng lượng tăng có thể khiến Venezuela và Iran dễ tìm thấy tiếng nói chung về lợi ích với phương Tây hơn. Cả hai nước đều muốn bán được nhiều dầu hơn, trong khi Mỹ và châu Âu cần nguồn năng lượng mới để giảm giá nhiên liệu trong nước.
Quan chức cấp cao Mỹ đã hai lần tới Caracas, thủ đô Venezuela, kể từ khu xung đột Ukraine nổ ra, mở ra các cuộc đàm phán trực tiếp với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro. Nhà Trắng nói các chuyến đi này nhằm đàm phán để Venezuela trả tự do cho hai công dân Mỹ bị giam ở Caracas. Nhưng những nguồn tin thân cận cho biết hai bên đã thảo luận về khả năng tái khởi động xuất khẩu dầu của Venezuela sang Mỹ.
Chính quyền ông Biden tháng trước âm thầm cho phép công ty dầu Eni của Italy và công ty Repsol của Tây Ban Nha xuất khẩu dầu Venezuela cho châu Âu. Tập đoàn năng lượng Chevron của Mỹ cũng đã đàm phán về thỏa thuận cho phép họ lần đầu tiên xuất khẩu dầu từ các mỏ của Venezuela sang Mỹ kể từ năm 2019.
Một số quan chức Iran cũng đang cố gắng tận dụng bất đồng giữa Nga và phương Tây để thu lợi. Một số phe phái chính trị ở Tehran cho rằng việc Nga bị loại khỏi thị trường năng lượng châu Âu mang đến cho Iran cơ hội giành lại khách hàng dầu phương Tây, nếu đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân có tiến triển.
Giới quan sát cho hay đối mặt với sức ép cạnh tranh quá lớn của dầu Nga ở châu Á, cả Iran và Venezuela đều đang tìm cách bù đắp tổn thất bằng cách giành lấy khoảng trống thị trường mà Nga để lại ở phương Tây.
"Iran biết nỗi đau năng lượng mà các nước EU đang gánh chịu và điều này có thể trở nên tồi tệ hơn. Tình thế đó rốt cuộc sẽ có lợi cho Tehran", Sara Vakhshouri, chuyên gia dầu mỏ tại SBV Energy International, nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)