Đức ngày 19/6 công bố các biện pháp nhằm cắt giảm tiêu thụ khí đốt, sau khi tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tuần trước tuyên bố giảm 60% nguồn cung qua đường ống Nord Stream với lý do tua-bin nén khí được đưa đi sửa chữa ở Canada và chậm trễ bàn giao do lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Nord Stream là đường ống chính dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.
"Rõ ràng đó là chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin để khiến chúng tôi bối rối, đẩy giá lên cao và chia rẽ chúng tôi", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói. "Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra".
Giống nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức trong vài thập kỷ qua phụ thuộc ngày càng lớn vào khí đốt nhập khẩu để thay thế than đá. Đức hiện nhập khẩu khoảng 35% khí đốt tự nhiên của Nga, giảm từ 55% trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Phần lớn nguồn cung khí đốt Nga được Đức sử dụng để sưởi ấm và sản xuất.
Năm ngoái, các nhà máy nhiệt điện khí đóng góp khoảng 15% tổng lượng điện do nhà nước Đức cung cấp, ông Habeck nói và thêm rằng tỷ lệ khí đốt trong sản xuất điện có thể giảm trong năm nay.
Là lãnh đạo đảng Xanh trong liên minh cầm quyền, vốn vận động bảo vệ môi trường và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, Phó thủ tướng Habeck giờ đây tuyên bố chính phủ Đức sẽ cho phép các công ty điện lực khởi động lại nhà máy nhiệt điện than, vốn đã bị đóng cửa để phục vụ mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu.
Điều này sẽ đảm bảo Đức có nguồn năng lượng thay thế khí đốt, nhưng sẽ trì hoãn thêm nỗ lực cắt giảm khí thải carbon của nước này.
"Thật cay đắng", ông Habeck nói về sự cần thiết phải quay lại với than đá. "Nhưng trong tình huống này, cần phải giảm tiêu thụ khí đốt. Các kho dự trữ khí đốt phải được làm đầy vào mùa đông. Đó là ưu tiên cao nhất".
Dự luật về tăng cường nhiệt điện than dự kiến được thông qua vào ngày 8/7 tại Bundesrat, thượng viện Đức, theo Phó thủ tướng Habeck. Thời kỳ tăng nhiệt điện than dự kiến kéo dài tới 31/3/2024, thời điểm chính phủ Đức hy vọng đã tìm ra biện pháp thay thế bền vững hơn cho khí đốt Nga.
Ông Habeck cũng cho biết chính phủ sẽ giới thiệu một hệ thống đấu giá mới, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp giảm tiêu thụ khí đốt. Đức chưa công bố chi tiết về cách thức đấu giá, nhưng ông Habeck cho biết nó sẽ bắt đầu vào mùa hè này.
Các biện pháp mới được thực thi nhằm chuyển hướng nguồn cung khí đốt đang ngày càng khan hiếm từ Nga vào các bể chứa cho mùa đông. Đức đặt mục tiêu các cơ sở lưu trữ khí đốt phải được lấp đầy 90% vào tháng 12. Ông Habeck cho biết các kho này hiện đã đầy khoảng 56%.
Đức trước đó cũng đã công bố hàng loạt biện pháp có thể được áp dụng nhằm giảm phụ thuộc khí đốt Nga. Theo dự thảo kế hoạch, chính phủ Đức có thể phân chia khí đốt theo định mức cho các ngành công nghiệp nếu lượng dự trữ cạn kiệt vào mùa đông.
Cơ quan Lưới điện Liên bang Đức cho rằng thông báo giảm nguồn cung của Gazprom là dấu hiệu cảnh báo các kho dự trữ khí đốt của Đức khó có thể được lấp đầy trước mùa đông và than là lựa chọn mà Đức buộc phải nghĩ tới.
Không chỉ Đức, một số quốc gia ở Liên minh châu Âu cũng báo hiệu rằng họ sẽ phải tăng sử dụng than đá trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga như Bulgaria, Cộng hòa Czech, Romania, Italy.
Áo là nước mới nhất lựa chọn con đường này khi Vienna ngày 19/6 cho biết sẽ làm việc với tập đoàn Verbund, doanh nghiệp cung cấp điện chính của nước này, để vận hành trở lại nhà máy nhiệt điện than Mellach ở thành phố cùng tên.
Quyết định được đưa ra sau một cuộc họp ứng phó khủng hoảng của chính phủ, nhằm mục đích có thể sản xuất điện từ than đá nếu được yêu cầu trong trường hợp khẩn cấp. Bộ Năng lượng và Hành động vì Khí hậu Áo cho biết tiến trình này có thể mất vài tháng.
Nhà máy Mellach là cơ sở sản xuất điện từ than đá cuối cùng của Áo, được đóng cửa vào đầu năm 2020, khi chính phủ nước này loại bỏ dần nguồn cung năng lượng gây ô nhiễm, chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
"Các quốc gia đang đưa ra những quyết định khó khăn, khẩn cấp trong tình huống cấp bách", Dave Jones, chuyên gia của tổ chức tư vấn khí hậu Ember, cho hay.
Ông gọi quyết định tăng cường sử dụng than đá của Đức là "phản ứng khẩn cấp nhưng hy vọng là ngắn hạn". "Trong tương lai, các chính phủ phải tập trung vào làm thế nào để giảm nhu cầu khí đốt, thay vì tăng sử dụng than đá", ông nói.
Ông Jones nói thêm Đức đã chú trọng phát triển điện gió và điện mặt trời, nhưng họ cần "hành động nhanh chóng cho tất cả lĩnh vực sử dụng khí đốt", như công nghiệp nặng và sưởi ấm.
Mohamed Adow, người điều hành tổ chức tư vấn khí hậu Power Shift Africa, cho biết quyết định tăng sử dụng than đá của Đức là "cú đánh chí mạng" với những nỗ lực ứng phó khủng hoảng khí hậu.
"Trong bối cảnh những nước giàu có từng gây ô nhiễm nhiều như Đức vẫn chưa xây dựng đủ hệ thống năng lượng tái tạo, khí hậu Trái Đất sẽ phải hứng chịu hậu quả khi họ quay lại với than đá", Adow nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ, Sky News)