Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov hôm 16/6 cảnh báo nước Đức sẽ hứng chịu "thảm họa khí đốt" khi các tua-bin nén khí được tập đoàn Siemens đưa tới sửa chữa, bảo dưỡng ở Canada và chậm trễ bàn giao do lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, khiến đường ống Nord Stream "có thể ngừng hoạt động".
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cũng đã thông báo giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream ngày thứ hai liên tiếp. Nguồn cung khí đốt quan trọng từ Nga tới châu Âu sụt giảm khiến giá năng lượng tăng, giữa lúc lạm phát ở các nước trong khu vực gần chạm ngưỡng cao nhất trong 40 năm.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo ba nước Đức, Pháp, Italy ngày 17/6 tới thăm Kiev nhằm bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine. Trong chuyến đi, khi được hỏi về lý do Gazprom giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho hay "chúng tôi, Đức và các quốc gia khác tin rằng đây là những lời nói dối". "Giống như ngũ cốc, khí đốt đã được sử dụng cho mục đích chính trị", ông nói.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định cắt giảm nguồn cung năng lượng tới châu Âu kể từ khi xung đột quân sự ở Ukraine nổ ra. Tháng trước, Nga đã dừng xuất khẩu điện và các lô khí đốt tới Phần Lan, sau khi nước này từ bỏ chính sách trung lập và chính thức nộp đơn gia nhập NATO.
Hồi tháng 4, Moskva ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, hai thành viên NATO lên tiếng phản đối chiến dịch của Nga ở Ukraine, do không thanh toán hợp đồng bằng ruble theo yêu cầu của Moskva.
Xuất khẩu khí đốt rất quan trọng với nền kinh tế Nga, nhưng việc giảm nguồn cung không làm tổn thương Moskva, mà giúp thu về nhiều tiền hơn từ giá năng lượng tăng. Một số quan chức và giám đốc điều hành Nga không che giấu niềm vui của họ.
"Chúng tôi giảm vài chục phần trăm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Nhưng giá khí đốt đã tăng vài lần. Bởi vậy, thực lòng chúng tôi không thấy phiền vì điều đó", Alexei Miller, giám đốc điều hành của Gazprom nói tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết châu Âu đang trả nhiều hơn khoảng 400 tỷ euro để mua khí đốt Nga, gợi ý nguồn cung có thể giảm thêm.
Tình hình hiện tại không quá khó khăn với châu Âu, bởi nhu cầu sưởi ấm đã giảm trong mùa hè. Giới chức ở cả 4 quốc gia bị Nga cắt khí đốt đều khẳng định đây không phải là mối đe dọa ngay lập tức.
Nhưng tình trạng phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga, vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, dường như khó có thể chấm dứt nhanh chóng. Liên minh châu Âu (EU) chỉ mất vài tuần để nhất trí về lệnh cấm than đá và dầu Nga, nhưng khí đốt là câu chuyện khác.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và khách hàng mua khí đốt quan trọng nhất của Nga ở châu Âu, 50% hộ gia đình sưởi ấm bằng khí đốt và phần lớn ngành công nghiệp sử dụng khí đốt. Liên đoàn Công nghiệp Đức nói các công ty đang chuyển sang sử dụng than đá, dự trữ khí đốt cho mùa đông, nhưng quá trình này cần thời gian.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gióng hồi chuông cảnh báo với Đức, quốc gia nhiều thập kỷ qua tin rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Moskva sẽ giúp đảm bảo hòa bình ở châu Âu và Nga sẽ là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy trong những thời điểm căng thẳng địa chính trị.
Cho tới khi Nga phát động chiến dịch, Berlin vẫn nhận hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu, 1/3 lượng dầu và một nửa lượng than từ Moskva, phớt lờ cảnh báo từ Mỹ và các đồng minh. Từ bỏ thói quen đó sẽ không dễ dàng trong tương lai gần nếu không có một cú sốc kinh tế đối với nền kinh tế Đức, như các nước khác ở châu Âu đang phục hồi sau đại dịch, theo các bình luận viên Katrin Bennhold và Melissa Eddy của NY Times.
Chính phủ Đức đang từng bước loại bỏ than đá Nga vào cuối mùa hè và dầu vào cuối năm nay. Thị phần dầu nhập khẩu từ Nga đã giảm xuống 20% và nhập khẩu than giảm một nửa.
Nhưng khí đốt, nguồn năng lượng mà Đức xem như công cụ để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045, tỏ ra khó loại bỏ hơn nhiều.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói đoạn tuyệt với năng lượng Nga cần ít nhất hai năm. Nhưng tuần này, ông kêu gọi Đức đẩy nhanh quá trình bằng cách tiết kiệm năng lượng.
"Đã đến lúc phải thực hiện. Mỗi kilowatt giờ sẽ giúp ích trong tình huống này", ông nói hôm 15/6. "Ông Putin đang giảm lượng khí đốt. Không phải tất cả cùng lúc nhưng từng bước. Điều đó xác nhận những gì chúng tôi lo ngại từ đầu".
Ngay cả khi các chính trị gia tìm cách trấn an người dân châu Âu, người đứng đầu cơ quan liên bang Đức về giám sát mạng lưới khí đốt và điện cảnh báo nếu Gazprom tiếp tục giảm nguồn cung, tình hình có thể trở nên nguy hiểm hơn khi mùa đông tới.
Đây là mối lo ngại chung của nhiều quốc gia khác ở châu Âu, khi họ phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga vận chuyển qua Đức. Italy, Áo và Cộng hòa Czech đều báo cáo tình trạng nguồn cung bị cắt giảm gần đây.
"Nếu ông Putin hạn chế nguồn khí đốt tới Đức trong dài hạn, chắc chắn lạm phát ở Cộng hòa Czech sẽ chạm ngưỡng 20% vào cuối mùa hè này", Lukas Kovanda, nhà kinh tế trưởng của Trinity Bank, nói. "Nếu đường ống Nord Stream ngừng hoàn toàn, con số đó có thể cao hơn rất nhiều".
CEZ, nhà cung cấp khí đốt chính của Cộng hòa Czech, cho biết nguồn cung từ Gazprom đã giảm khoảng 40% so với bình thường. Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Czech Jozef Sikela nói kho dự trữ khí đốt của nước này chỉ đủ tới cuối tháng 10.
Công ty năng lượng OMW của Áo cho biết Gazprom đã thông báo về việc cắt giảm khí đốt, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết. Cả Cộng hòa Czech và Áo đều nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất của châu Âu, khi phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Italy là nước nhập khẩu 95% khí đốt, trong đó 40% tới từ Nga. Nguồn cung từ Gazprom tới Italy đã giảm 15% hôm 15/6 và tiếp tục giữ mức này trong ngày 16/6, theo công ty năng lượng Eni.
Gazprom giải thích rằng nguồn cung giảm do vấn đề bảo trì máy móc, nhưng Roberto Cingolani, bộ trưởng chuyển đổi sinh thái của Italy, cho rằng nó liên quan trực tiếp tới chuyến thăm Kiev của Thủ tướng. "Thủ tướng Draghi đang ở Kiev và đây có thể là đòn trả đũa của Nga", ông nói.
"Xuất khẩu khí đốt mang lại cho Moskva một công cụ ngoại giao mạnh mẽ ở châu Âu", bình luận viên Bennhold và Eddy nhận định. "Động thái của Tổng thống Putin như một thông điệp nhắc nhở rằng ông có khí đốt và nắm trong tay số phận của các ngành công nghiệp quan trọng nhất châu Âu".
Thanh Tâm (Theo NY Times, Politico)