Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực thúc đẩy nỗ lực chặn dòng chảy dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga đến hầu hết các nước thành viên trong năm nay, khi xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nếu khối đạt đồng thuận về lệnh cấm dầu, nó sẽ là đòn giáng nặng nề vào trung tâm nền kinh tế Nga, nơi vốn nhận nhiều lợi nhuận từ năng lượng.
Mỹ, Canada, Anh và Australia đã cấm nhập khẩu dầu Nga, trong khi Nhật Bản cho biết sẽ chấp thuận "về nguyên tắc" lệnh cấm dầu sau cuộc họp của nhóm G7 cuối tuần qua. Cùng với G7, nếu EU thống nhất được lệnh cấm dầu, một nửa nền kinh tế toàn cầu sẽ cắt liên kết với dầu mỏ Nga.
Lệnh cấm dầu như vậy sẽ không khiến Moskva bị tê liệt chỉ sau một đêm, theo Julia Horowitz, nhà phân tích của CNN. Các nước như Ấn Độ tiếp tục tăng mua hàng trăm nghìn thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga, tận dụng giá được chiết khấu mạnh. Nguồn thu từ năng lượng của Điện Kremlin cũng tăng lên, khi giá dầu toàn cầu tăng kỷ lục do khủng hoảng Ukraine.
Nhưng theo thời gian, Nga sẽ dần cảm nhận được hậu quả từ việc mất thị trường châu Âu, nơi nhận hơn 50% lượng dầu xuất khẩu của nước này, khiến doanh thu của chính phủ giảm khi các lệnh trừng phạt khắc nghiệt khác gây thiệt hại ngày càng nhiều. Moskva sẽ phải vật lộn tìm khách hàng mới để lấp đầy khoảng trống mà EU để lại. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và giới phân tích dự đoán sản lượng dầu của Nga sẽ giảm mạnh.
"Điều đó chắc chắn gây tổn hại cho Nga", Henning Gloystein, giám đốc chương trình năng lượng tại công ty tư vấn Eurasia Group, nói.
Moskva phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ lĩnh vực dầu và khí đốt, ước tính hồi tháng 1 chiếm 45% ngân sách liên bang, trong đó châu Âu từ lâu là khách hàng hàng đầu. Năm ngoái, 1/3 lượng dầu nhập khẩu của khu vực đến từ Nga, theo IEA. Trước khi xung đột quân sự Ukraine nổ ra, châu Âu nhập khẩu khoảng 3,4 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga.
Con số này đã giảm nhẹ. Từ cuối tháng 2, phần lớn các nhà buôn dầu ở châu Âu bắt đầu ngần ngại với dầu mỏ Nga, khi đối mặt chi phí vận chuyển tăng vọt và khó đảm bảo tài chính, bảo hiểm cho các lô hàng vận chuyển bằng tàu biển. Châu Âu nhập khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga trong tháng 4, theo Rystad Energy.
Nhưng sau hơn hai tháng xung đột nổ ra ở Ukraine, EU muốn tiến xa hơn nữa và nỗ lực đạt lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga trong vòng 6 tháng và chấm dứt nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế vào cuối năm nay.
Kế hoạch của EU sẽ gây áp lực lên nền kinh tế Nga, thậm chí có thể gây ra cuộc suy thoái nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự đoán nền kinh tế Nga sẽ giảm 8,5% trong năm nay.
Các nhà phân tích tại hai công ty nghiên cứu Rystad Energy và Kpler dự đoán Nga sẽ cần phải cắt giảm khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 20% sản lượng, vì lệnh cấm vận của EU.
Một số người cho rằng lệnh cấm dầu từ một nhà nhập khẩu khổng lồ như châu Âu sẽ khiến giá dầu thô tiếp tục tăng, giúp Moskva thực sự có thể thu về nhiều tiền hơn từ dầu mỏ, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định điều đó phụ thuộc vào khả năng chuyển hướng các lô hàng dầu tới khách hàng khác của Nga.
"Điều này không dễ dàng", nhà phân tích Julia Horowitz nhận định.
Một phần đáng kể dầu của Nga xuất sang châu Âu được vận chuyển bằng các đường ống dẫn dầu trên mặt đất. Việc chuyển hướng lượng dầu đó sang các thị trường châu Á sẽ đòi hỏi cơ sở hạ tầng mới tốn kém và mất nhiều năm để xây dựng.
Dầu vận chuyển bằng đường biển có thể dễ dàng tìm được người mua thay thế hơn. Ấn Độ, nước tiêu thụ khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, đã tăng mạnh nhập khẩu từ Nga sau khi xung đột Ukraine nổ ra.
Dữ liệu từ công ty Rystad Energy chỉ ra nhập khẩu dầu thô từ Nga của Ấn Độ đã tăng lên gần 360.000 thùng mỗi ngày trong tháng 4, tăng gấp 5 lần so với tháng 1. Bởi dầu thô Urals của Nga được định giá dựa trên dầu thô Brent tiêu chuẩn. Trước xung đột, nó được giao dịch với mức chiết khấu rất ít, nhưng giờ đã tăng lên 35 USD mỗi thùng, mức giảm rất hấp dẫn với những người mua không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt từ phương Tây.
"Vào thời điểm mà những nước khác cắt giảm hoặc tránh né dầu thô Nga, họ dường như là những người hưởng lợi lớn nhất với dầu giá rẻ", Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler, nói về Ấn Độ.
Tuy nhiên, Ấn Độ đang tỏ ra chưa sẵn sàng là một khách hàng lớn giúp Nga hấp thụ hết số dầu bị châu Âu quay lưng. Trong một tuyên bố tuần trước, Bộ Xăng dầu và Khí đốt Ấn Độ nói nước này nhập khẩu dầu từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có lượng lớn từ Mỹ.
"Lượng dầu nhập từ Nga vẫn còn rất nhỏ so với mức tiêu thụ của Ấn Độ", cơ quan này cho hay.
Trung Quốc, vốn là khách hàng mua dầu đơn lẻ lớn nhất của Nga, cũng đã tăng lượng mua. Dữ liệu từ Rystad, Kpler và OilX chỉ ra lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng từ sau xung đột nổ ra ở Ukraine, nhưng không đáng kể.
OilX, sử dụng dữ liệu công nghiệp và vệ tinh để theo dõi sản lượng và dòng chảy dầu, phát hiện nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga qua đường ống và đường biển chỉ tăng 175.000 thùng mỗi ngày trong tháng 4, hơn khoảng 11% so với trung bình năm 2021. Nhập khẩu dầu bằng tàu biển đang tăng mạnh hơn trong tháng 5, theo dữ liệu sơ bộ.
Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đã giảm khi nước này áp đặt các lệnh hạn chế ngăn Covid-19 tại các thành phố, trung tâm công nghệ, tài chính lớn. Điều này khiến dòng chảy năng lượng từ Moskva sang Bắc Kinh bị đình trệ.
"Trung Quốc không thể ôm hết số dầu từ Nga", chuyên gia Gloystein của Eurasia Group nhận định.
Thanh Tâm (Theo CNN)