Hơn hai tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/5 thông báo kế hoạch cấm nhập khẩu dầu thô Nga trong 6 tháng và các sản phẩm dầu tinh chế tới hết năm nay. Lệnh cấm nằm trong gói trừng phạt thứ sáu mà châu Âu áp đặt với Moskva.
"Dòng chảy năng lượng vẫn cung cấp ngoại tệ trực tiếp cho Điện Kremlin. Mục đích của lệnh cấm vận dầu mỏ là làm cạn kiệt dòng chảy này, hy vọng làm suy yếu khả năng tiếp tục chiến dịch quân sự và khuyến khích Nga thay đổi", Ben McWilliams, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Bruegel ở Brussels, nói với VnExpress.
Samantha Gross, giám đốc sáng kiến an ninh năng lượng và khí hậu tại Viện Brookings ở Washington, Mỹ, đồng tình với nhận định trên. "Động cơ đằng sau lệnh cấm là giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, từ đó giảm khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine", bà Gross nói.
Chuyên gia Viện Brookings thêm rằng trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, dầu và khí đốt chiếm khoảng hơn 40% doanh thu của nước này. Do đó, lệnh cấm dầu của EU sẽ là một đòn giáng đối với nền kinh tế Nga.
Nga có cơ sở hạ tầng rộng lớn với cảng và đường ống được thiết lập để cung cấp dầu tới thị trường phương Tây, gồm Mỹ, EU và Anh. Trong trường hợp bị EU cấm dầu, Nga sẽ đối mặt thách thức lớn để chuyển hướng các lô hàng tới khách hàng ở châu Á.
Theo ước tính của nhà phân tích McWilliams, dầu của Nga được vận chuyển tới châu Âu trong khoảng 7 ngày, nhưng thời gian này sẽ tăng lên gần 40 ngày nếu chuyển đến Trung Quốc, gây thêm áp lực cho thị trường vận tải hàng hóa bằng tàu biển vốn đã rất căng thẳng. Ngoài ra, hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có "hấp thụ" hết lượng dầu mà Nga phải chuyển hướng hay không, khi họ cũng đang ký các hợp đồng dầu mỏ dài hạn với các nhà cung cấp khác.
"Nga có thể phải đưa ra mức chiết khấu đáng kể để có thể chuyển hướng lượng dầu này tới khách hàng khác. Do đó, lệnh cấm vận của EU sẽ gây tổn hại kinh tế đáng kể cho Nga", McWilliams nhận định.
Chuyên gia Samantha Gross cũng cho rằng chuyển hướng xuất khẩu dầu từ châu Âu sang châu Á không dễ dàng với Nga. Moskva có thể sẽ phải tăng số lượng tàu chở dầu nếu chuyển hàng tới châu Á và đau đầu về các khoản bảo hiểm đối với tàu dầu.
"Điều này có thể làm tăng khả năng Nga sẽ phải giảm lượng dầu xuất khẩu. Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, nước này chuyển tới châu Âu khoảng 3,8 triệu thùng dầu mỗi ngày", bà Gross nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không chỉ Moskva phải hứng chịu hậu quả. Châu Âu cũng sẽ rơi vào tình thế "đi trên dao" vì lệnh cấm dầu, trong bối cảnh EU đang nhập khẩu 25% nhu cầu dầu của mình từ Nga.
"EU sẽ rất khó đoạn tuyệt với nguồn dầu Nga, bởi quan hệ thương mại năng lượng giữa hai bên đã được hình thành và phát triển từ những năm 1960", Jim Krane, chuyên gia năng lượng tại Đại học Rice, Texas, cho biết.
Theo chuyên gia Krane, người châu Âu không muốn số tiền mình bỏ ra để mua năng lượng Nga được sử dụng để tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Họ tin rằng có thể thay thế phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga bằng nguồn hàng từ các nhà cung cấp khác.
Nhưng nhiệm vụ tìm giải pháp thay thế nguồn năng lượng Nga của châu Âu không dễ dàng, nhất là khi các nước thành viên EU có mức độ phụ thuộc vào dầu Nga khác nhau. Những nước châu Âu càng gần Nga càng phụ thuộc nhiều hơn vào mạng lưới này, điều có thể gây ra tình trạng chia rẽ nghiêm trọng giữa các nước trong EU.
Một số thành viên EU, trong đó có Hungary, Slovakia, Phần Lan và Bulgaria, nhập khẩu hơn 75% nguồn dầu từ Nga và có thể gặp rất nhiều khó khăn để tìm nguồn cung thay thế.
Trên thực tế, đề xuất về lệnh cấm dầu Nga được EU đưa ra từ hôm 4/5, nhưng khối tới nay vẫn chưa đạt được thống nhất để đi đến quyết định cuối cùng. Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Hungary đã ngăn EU đạt thỏa thuận về gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, bao gồm lệnh cấm dầu.
"Chúng tôi đã bỏ phiếu thuận cho tất cả gói trừng phạt cho đến nay, nhưng gói mới nhất này sẽ phá hủy an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ra tuyên bố ngày 8/5. Thái độ phản đối của Hungary có thể khiến EU mất thêm nhiều thời gian đàm phán để đi đến thỏa hiệp cuối cùng.
Giới quan sát cho rằng ngoài những lục đục nội bộ, EU còn đối mặt với vấn đề đáng lo hơn là Nga sẽ đáp trả lệnh cấm dầu như thế nào.
"EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga hơn dầu mỏ. Do đó, Moskva có thể đáp trả lệnh cấm dầu bằng cách làm gián đoạn hơn nữa dòng chảy khí đốt sang thị trường châu Âu", McWilliams cảnh báo. "Điều này sẽ buộc các nước châu Âu giảm nhu cầu khí đốt và phối hợp với nhau để tồn tại, trong kịch bản bị gián đoạn nguồn cung từ nhà cung cấp lớn nhất".
Đây cũng là nguy cơ mà chuyên gia Gross của Viện Brookings lo lắng. "Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt cho châu Âu và EU thậm chí còn có ít lựa chọn thay thế về khí đốt hơn so với dầu mỏ", bà nói. "Nếu EU muốn tiến xa hơn, họ có thể cắt giảm hoặc đoạn tuyệt với khí đốt Nga, nhưng điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho châu Âu".
Giới quan sát cho rằng việc đảm bảo đủ nguồn thay thế cho năng lượng Nga sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí là bất khả thi trong ngắn hạn, khi nhiều nước trong khối gần đây đã dần loại bỏ năng lượng hạt nhân và than đá.
"Tôi nghĩ giá dầu và khí đốt sẽ tăng cao trong một thời gian. Nhưng cao bao nhiêu còn phụ thuộc vào những gì xảy ra tiếp theo", bà Grosss chia sẻ.
Giá dầu đã tăng mạnh sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố kế hoạch cấm dầu Nga, với giá dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế tăng 3,7%, lên gần 109 USD/thùng, theo NY Times.
Nhà phân tích McWilliams thêm rằng không chỉ giá dầu khí tăng, cuộc chiến năng lượng giữa Nga và EU còn có thể kéo theo nhiều căng thẳng chính trị quốc tế. Theo ông, một trong những điểm cần quan tâm là phản ứng của các nước như Trung Quốc và Ấn Độ với lệnh cấm dầu Nga của EU.
"Hiện chưa rõ liệu họ sẽ liên kết chặt chẽ với Nga để mua lượng dầu mà thị trường phương Tây từ chối, hay vẫn thể hiện thái độ thận trọng và không tăng lượng mua đáng kể", ông nói. "Những quyết định được đưa ra trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mối quan hệ quốc tế".
Thanh Tâm