"Với tần suất khai hỏa hiện tại, chúng tôi đánh giá Nga chỉ có thể sử dụng các loại đạn pháo và rocket đúng quy chuẩn cho tới đầu năm 2023", một quan chức cao cấp giấu tên của Lầu Năm Góc ngày 12/12 nói trong cuộc họp báo với các phóng viên.
Theo quan chức này, do kho dự trữ đạn mới đang cạn kiệt nhanh chóng, Nga có thể buộc phải sử dụng ngày càng nhiều loại đạn "xuống cấp", vốn có thể không bắn được hoặc bị kích nổ sớm. Một số loại đạn mà binh sĩ Nga đang sử dụng trên chiến trường Ukraine được sản xuất từ 40 năm trước.
"Bạn nạp loại đạn đó rồi cầu nguyện để nó bắn được, cũng như nó sẽ nổ khi chạm mục tiêu", quan chức Mỹ nói.
Người này đánh giá tình trạng thiếu hụt đạn mới khiến lực lượng Nga phải lựa chọn "những rủi ro mà họ sẵn sàng chấp nhận" khi sử dụng đạn cũ, như tỷ lệ đạn không nổ tăng và những sự cố khó lường trong quá trình khai hỏa.
"Chúng tôi đánh giá Nga rất có thể phải chật vật bổ sung dự trữ đạn pháo và rocket đạt chuẩn thông qua các nhà cung cấp nước ngoài, cũng như tăng cường sản xuất và tân trang trong nước", quan chức Lầu Năm Góc cho biết, đồng thời nhận định đây là lý do Nga "tiếp cận với các quốc gia như Iran và Triều Tiên để tìm một số loại đạn đáng tin cậy hơn".
Nga chưa bình luận về nhận định của quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ. Nga nhiều lần bác tin nước này mua đạn pháo hoặc vũ khí từ nước ngoài.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi cuối tháng 11 nói Nga gặp một số vấn đề về nguồn cung các loại đạn, tên lửa do thách thức về hậu cần mà nước này đối mặt, cũng như các đợt tập kích của Ukraine nhằm vào kho hậu cần của Nga.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 23/11 tuyên bố nước này còn lượng khí tài dồi dào. "Đối phương tiếp tục cẩn thận đếm từng vụ khai hỏa và kho dự trữ khí tài của Nga. Đáng lẽ họ nên hiểu rằng hy vọng Nga cạn vũ khí là vô nghĩa", ông Medvedev cho biết.
Ông Medvedev cũng tuyên bố Nga chưa dùng hết vũ khí trong biên chế và chưa tập kích toàn bộ mục tiêu tại Ukraine. Ông cũng cho hay Nga đang tăng cường tốc độ sản xuất vũ khí và sẽ cải thiện đáng kể kho khí tài.
Trong khi đó, Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ngày 11/12 cảnh báo nhiều quốc gia thành viên của khối đang cạn kiệt vũ khí vì viện trợ cho Ukraine và gọi đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho liên minh.
Quân đội Mỹ đang rà soát lại yêu cầu về dự trữ vũ khí trong lúc các quan chức hoài nghi khả năng nước này liệu có đủ khả năng ứng phó một cuộc xung đột quy mô lớn khác nổ ra vào thời điểm này hay không.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)