Đây là câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc phải đối mặt, không chỉ khi họ hướng tới cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm với Nga, mà còn khi tính toán tới xung đột tiềm tàng với các đối thủ ngang hàng.
Nga đang khai hỏa khoảng 20.000 viên đạn súng trường, đạn pháo cho tới tên lửa mỗi ngày. Trong khi đó, Ukraine đáp trả với khoảng 7.000 viên đạn lựu pháo 155 mm, tên lửa phòng không Stinger và NASAMS, cùng hàng nghìn viên đạn súng bộ binh.
Phần lớn hỏa lực của Ukraine đến từ các gói hỗ trợ vũ khí được Mỹ chuyển ra tiền tuyến gần như hàng tuần. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/11 công bố đợt viện trợ bổ sung cho Ukraine, trong đó cung cấp thêm 20 triệu viên đạn vũ khí cá nhân.
"Chúng ta không ở trong tình thế chỉ còn đủ đạn cho vài ngày, nhưng chúng ta đang hỗ trợ một đối tác đang ở hoàn cảnh như vậy", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael McCord cho biết.
Tuy nhiên, về lâu dài, Mỹ đối mặt với không ít thách thức. Các dây chuyền sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ chưa được mở rộng quy mô để cung cấp vũ khí cho một cuộc xung đột lớn trên bộ. Một số như dây chuyền sản xuất tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger đã bị đóng cửa từ lâu.
Điều này gây áp lực lên kho dự trữ của Mỹ, đồng thời khiến các quan chức đặt câu hỏi liệu kho vũ khí của nước này có đủ lớn hay không. Họ cũng bày tỏ hoài nghi liệu Mỹ có khả năng ứng phó thêm một cuộc xung đột quy mô lớn nổ ra vào thời điểm này hay không.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu có chuyện gì đó bùng phát tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương? Không phải trong 5-10 năm nữa, nếu nó nổ ra ngay tuần sau thì sao?", Bill LaPlante, quan chức phụ trách mua sắm của Lầu Năm Góc, nói. "Chúng ta còn gì trong kho? Số vũ khí đó sẽ hiệu quả thế nào? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi đang đặt ra".
Lục quân Mỹ sử dụng nhiều loại vũ khí tương tự những tổ hợp đang chuyển cho quân đội Ukraine, trong đó có pháo phản lực HIMARS, tên lửa phòng không Stinger và lựu pháo 155 mm. Điều này buộc quân chủng phải rà soát lại các yêu cầu về dự trữ vũ khí của mình.
"Họ đang xem xét những gì Ukraine sử dụng, những gì chúng tôi có thể sản xuất và tăng tốc đến đâu. Tất cả đều được tính đến. Kho dự trữ trước xung đột cần lớn đến đâu? Tăng tốc sản xuất càng chậm, lượng dự trữ ban đầu càng phải lớn", Doug Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm, nói.
Các gói viện trợ quân sự mà Mỹ chuyển cho Ukraine được rút trực tiếp từ kho dự trữ, hoặc Lầu Năm Góc đặt hàng cho các tập đoàn quốc phòng sản xuất. Trong khoảng 19 tỷ USD viện trợ quân sự Mỹ cam kết chuyển cho Ukraine có 924.000 đạn lựu pháo 155 mm, hơn 8.500 tên lửa chống tăng Javelin và 1.600 tên lửa phòng không Stinger.
Mỹ cũng sẽ cung cấp tổng cộng 38 tổ hợp HIMARS, các hệ thống phòng không tiên tiến, hàng trăm xe cơ giới và máy bay không người lái (UAV). Lầu Năm Góc chưa công bố số đạn rocket cho HIMARS và đạn tên lửa cho các tổ hợp phòng không mà Mỹ chuyển cho Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Biden tháng này đề nghị quốc hội Mỹ cấp thêm 37 tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Tuy nhiên, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cảnh báo các thành viên đảng này sẽ không "viết séc trắng" trong hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ngay cả khi được quốc hội phê duyệt ngân sách, kho dự trữ vũ khí Mỹ cũng khó được bổ sung nhanh chóng. Một số dây chuyền sản xuất vũ khí đã ngừng hoạt động từ nhiều năm trước, khi lục quân Mỹ đầu tư cho các ưu tiên khác.
Lầu Năm Góc hồi tháng 5 trao cho tập đoàn Raytheon hợp đồng trị giá 624 triệu USD để sản xuất 1.300 tên lửa phòng không Stinger. Tuy nhiên, Raytheon cho biết họ không thể tăng sản lượng trước năm 2023 do thiếu linh kiện.
"Dây chuyền sản xuất Stinger dừng hoạt động từ năm 2008. Ai làm điều đó? Tất cả chúng ta", ông LaPlante nói, đề cập đến quyết định của quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc về ngừng cấp ngân sách cho chương trình sản xuất mẫu tên lửa phòng không này.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định 1.600 tên lửa Stinger mà Mỹ chuyển cho Ukraine chiếm khoảng 1/4 tổng dự trữ trong kho của nước này.
Ông LaPlante cho hay tổ hợp HIMARS, vốn được Ukraine sử dụng rộng rãi trong các đợt phản công, cũng đối mặt với thách thức tương tự, khi dây chuyền sản xuất đã ngừng hoạt động trong giai đoạn 2014-2018.
Ông Bush cho biết sau khi chứng kiến hiệu quả của HIMARS trên chiến trường Ukraine, lục quân Mỹ đang cố gắng thúc đẩy sản xuất để xuất xưởng 8 tổ hợp HIMARS mỗi tháng.
Tuy nhiên, nếu xung đột kéo dài và đạn rocket HIMARS được ưu tiên chuyển cho Ukraine, lục quân Mỹ có thể không đủ đạn để phục vụ công tác huấn luyện bắn đạn thật trên tổ hợp này.
Lầu Năm Góc hồi đầu tháng công bố hợp đồng trị giá 14,4 triệu USD để tăng tốc sản xuất các tổ hợp HIMARS mới nhằm bổ sung nguồn dự trữ. Ryan Brobst, chuyên gia quân sự và chính trị tại thủ đô Washington của Mỹ, đánh giá xung đột Ukraine "cho thấy hoạt động sản xuất vũ khí tại Mỹ và các đồng minh có thể không đáp ứng đủ cho chiến sự lớn trên đất liền".
Mỹ gần đây thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine 4 tổ hợp phòng không Avenger, bệ phóng tên lửa phòng không gắn trên phương tiện bánh xích hoặc bánh lốp. Tuy nhiên, các tổ hợp Avenger cũng sử dụng đạn tên lửa Stinger.
Trong khi đó, Sabrina Singh, phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho rằng lo ngại về kho dự trữ đã được tính tới khi Mỹ xây dựng các gói viện trợ vũ khí cho Ukraine. "Chúng tôi sẽ không cung cấp số tên lửa Stinger này nếu cảm thấy mình không làm được", bà Singh nói.
Nguyễn Tiến (Theo AP)