"Phản ứng của Mỹ đối với kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus là ví dụ sinh động khác cho thói đạo đức giả của chính trị nước này", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 28/3 nói. "Trong 60 năm qua, Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của họ tại 5 quốc gia phi hạt nhân là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ".
Trước đó, ông Antonov được đề nghị bình luận về nhận xét của phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel rằng Nga đưa ra "tuyên bố hạt nhân vô trách nhiệm". Patel cho rằng "không một quốc gia nào gây ra thiệt hại nặng nề với nỗ lực kiểm soát vũ khí như Nga", đồng thời chỉ trích Moskva phá hoại ổn định chiến lược ở châu Âu".
"Các quan chức Mỹ có trí nhớ cực ngắn", Đại sứ Nga Antonov nói. "Chính Washington từ lâu đã phá hủy một cách có hệ thống cơ sở pháp lý của quan hệ song phương trong lĩnh vực chiến lược".
Ông Antonov nhắc lại việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002, Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 2019 và Hiệp ước Bầu trời mở năm 2020. Đại sứ Antonov cũng cáo buộc Mỹ "không tuân thủ giới hạn của hiệp ước New START", vốn đặt ra hạn chế với kho vũ khí hạt nhân của hai nước, khiến Nga đình chỉ tham gia.
"Chúng tôi nhiều lần chứng minh cho thế giới về tiêu chuẩn kép trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền Mỹ truyền tải thông điệp đến mọi người rằng nước này được quyền làm mọi chuyện, trong khi phần còn lại của thế giới không được phép làm gì, đặc biệt là Nga", Đại sứ Antonov cho biết.
Mỹ chưa bình luận về nhận định của Đại sứ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước thông báo nước này sẽ chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus sớm nhất vào mùa hè. Ông Putin cho biết đưa ra quyết định sau khi Anh thông báo viện trợ đạn xe tăng có thanh xuyên chứa uranium nghèo (DU) cho Ukraine.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói nước này chưa thấy dấu hiệu cho thấy Nga đang lên kế hoạch dùng vũ khí hạt nhân. Josep Borrell, quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), đe dọa trừng phạt Belarus và gọi kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga là "hành vi leo thang vô trách nhiệm".
Giới chuyên gia định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, được sử dụng để đạt được lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì gây tàn phá trên diện rộng như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường có sức công phá nhỏ, được thiết kế để tấn công các sở chỉ huy, căn cứ, điểm tập trung quân của đối phương ở tiền tuyến. Chúng không được dùng để phá hủy các thành phố, cơ sở công nghiệp quốc phòng cách xa chiến trường.
Loại vũ khí này phát triển từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh nhằm răn đe đối phương, song chưa nước nào từng sử dụng chúng trong thực tế. Mỹ và một số nước châu Âu cho biết họ phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật để "phản ứng linh hoạt trước bất cứ mối đe dọa nào từ đối phương".
Nguyễn Tiến (Theo RT)