Phái đoàn các quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, từ ngày 1 đến 26/8. Hội nghị, từng hoãn tổ chức nhiều lần từ năm 2020, không ra tuyên bố chung do vấp phải sự phản đối từ Nga.
"Phái đoàn của chúng tôi có phản đối quan trọng với một số đoạn văn bản có tính chất chính trị trắng trợn", đại diện phái đoàn Nga Igor Vishnevetsky nói, thêm rằng dự thảo tuyên bố chung dài hơn 30 trang thiếu "cân bằng".
Chủ tịch hội nghị Gustavo Zlauvinen, từ Argentina, nói hội nghị "không thể đạt đồng thuận" vì Nga có vấn đề với dự thảo tuyên bố chung. Ông Vishnevetsky cho biết Moskva không phải bên duy nhất phản đối.
![Russias delegates are seated during the 2022 Nuclear Non-Proliferation Treaty (NPT) review conference, in the United Nations General Assembly, Monday, Aug. 1, 2022. (AP Photo/Yuki Iwamura)](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/08/27/1000-3-jpeg-2357-1661576095.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u_XPoXPBSk5mVVm1NycQug)
Phái đoàn Nga tại Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân tổ chức ở trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, Mỹ, ngày 1/8. Ảnh: AP.
Theo các nguồn thạo tin, Nga phản đối các đoạn có nội dung về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine. Dự thảo bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về các hoạt động quân sự gần các nhà máy điện của Ukraine, trong đó có Zaporizhzhia, việc Kiev mất quyền kiểm soát các cơ sở này và tác động đến tính an toàn.
Nga kiểm soát Zaporizhzhia từ tháng 3, không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng cơ sở vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này đang là tâm điểm chú ý khi Ukraine và Nga cáo buộc lẫn nhau tập kích cơ sở.
Zaporizhzhia, nơi sản xuất 19% lượng điện của Ukraine năm 2020 và là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, có 6 lò phản ứng lớn và 6 bể làm mát với hàng trăm tấn nhiên liệu hạt nhân. Ba lò đang hoạt động và ba lò đã đóng cửa kể từ khi cuộc xung đột bùng phát.
NPT được ký năm 1968, hợp pháp hóa kho vũ khí hạt nhân của Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc, đồng thời tước quyền chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân của các quốc gia khác.
Hơn 190 quốc gia là thành viên của NPT, ngoại trừ Ấn Độ, Israel, Pakistan và Triều Tiên. Hiệp ước được đánh giá 5 năm một lần. Tại kỳ họp đánh giá gần nhất năm 2015, các bên cũng không đạt đồng thuận để ra tuyên bố chung.
Hội nghị năm nay còn bàn về nhiều chủ đề nóng khác như chương trình hạt nhân của Iran và các lần thử hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trước đó cảnh báo thế giới "đang đối mặt nguy cơ hạt nhân cao chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh".
"Giờ đây, nhân loại chỉ còn cách sự hủy diệt hạt nhân một sự hiểu nhầm, một tính toán sai lầm", ông Guterres cảnh báo.
![Vị trí nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đồ họa: NY Times.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/08/27/556318717813726673a-Ukraine-Ng-6054-7863-1661576021.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iuVV-ePIS47Nrx6eLLPaGw)
Vị trí nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đồ họa: NY Times.
Như Tâm (Theo AFP)