"Việc các bên thảo luận về khả năng điều quân từ các nước thành viên NATO tới Ukraine là một yếu tố mới rất quan trọng", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27/2 nhận định khi được hỏi về tuyên bố "phương Tây không loại trừ đưa quân đến Ukraine" mà Tổng thống Pháp đưa ra.
"Các quốc gia phương Tây nên biết rằng điều này hoàn toàn không có lợi cho họ", ông Peskov nói, nhận định nhiều nước "đang khá tỉnh táo về nguy cơ tiềm ẩn trong hành động như vậy". Ông cũng cho biết Điện Kremlin "rất chú ý đến quan điểm của ông Macron về việc cần phải gây ra thất bại chiến lược cho Nga".
Khi được hỏi liệu lực lượng NATO hiện diện tại Ukraine có dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa liên minh và Nga hay không, ông Peskov cảnh báo "với trường hợp này, chúng ta không cần nói về khả năng xảy ra mà nên bàn về tính không thể tránh khỏi của điều đó".
"Các nước NATO phải đánh giá và nhận thức rõ hậu quả của động thái như vậy", ông Peskov cho biết. "Họ cần đặt câu hỏi rằng quyết định điều quân có phù hợp với lợi ích của quốc gia và quan trọng nhất là lợi ích của người dân nước họ hay không".
Sau cuộc họp của khoảng 20 lãnh đạo châu Âu tại Paris ngày 26/2, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố các bên "thảo luận cởi mở, thẳng thắn" và "không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân tới Ukraine".
Ông Macron thừa nhận các bên chưa đạt đồng thuận về vấn đề trên, song khẳng định "chúng tôi sẽ làm mọi điều cần thiết để đảm bảo Nga không chiến thắng" trong xung đột với Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu và thành viên NATO sau đó cho biết sẽ không đưa quân tới Ukraine hoặc không cân nhắc điều này.
"Những gì đã được thỏa thuận ngay từ đầu giữa chúng tôi sẽ được áp dụng trong tương lai, cụ thể là các nước châu Âu hoặc thành viên NATO sẽ không điều bất cứ binh sĩ nào đến Ukraine", Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố Budapest "không sẵn sàng gửi vũ khí hoặc điều quân tới Ukraine". "Đây là lập trường rất rõ ràng và vững chắc của Hungary", ông Szijjarto nói.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhận định "Ukraine chưa có nhu cầu" tiếp nhận bộ binh của phương Tây và việc điều quân tới nước này "chưa nằm trong kế hoạch" của Stockholm
Ttrong cuộc họp báo chung ở Prague, Thủ tướng Czech Petr Fiala và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng tuyên bố chính phủ hai nước không xem xét lựa chọn nói trên.
Ông Macron đưa ra bình luận sau khi chiến sự Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba. Lực lượng Nga gần đây giành một số bước tiến trên chiến trường, nổi bật nhất là kiểm soát hoàn toàn thành trì Avdeevka ở tỉnh Donetsk.
Trong khi đó, Ukraine đang đối mặt tình trạng thiếu đạn dược và vật tư quân sự quan trọng, chủ yếu do gói viện trợ đang mắc kẹt giữa tranh cãi tại quốc hội Mỹ.
Các quốc gia phương Tây đang xây dựng liên minh nhằm cung cấp bom, tên lửa tầm trung và tầm xa để Ukraine tập kích sâu hơn vào hậu phương của Nga. Khoảng 15 quốc gia nhất trí tham gia sáng kiến mà Czech đưa ra về mua hàng nghìn quả đạn từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) để viện trợ cho Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo TASS, AFP, Reuters)