"Mọi vấn đề đã được thảo luận tối nay một cách cởi mở và thẳng thắn. Hiện chưa có sự đồng thuận chính thức về việc đưa quân đến thực địa. Nhưng xét về mặt động lực, chúng tôi không loại trừ khả năng nào. Chúng tôi sẽ làm mọi điều cần thiết để đảm bảo Nga không thể thắng cuộc chiến này", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Điện Elysee ngày 26/2.
Ông Macron từ chối nêu cụ thể quốc gia nào đang cân nhắc hay binh chủng nào sẽ được triển khai đến Ukraine vì muốn giữ "tính mập mờ chiến lược". Theo ông, mỗi quốc gia có thể ra quyết định một cách độc lập. Đây còn là lần đầu tiên phương Tây công khai đề cập vấn đề này.
Ông Macron phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp của khoảng 20 lãnh đạo châu Âu tại Paris. Mỹ cử đại diện tham dự là Trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề châu Âu và Âu - Á Jim O'Brien. Cuộc họp được cho là nhằm gửi đến Nga thông điệp về quyết tâm của châu Âu trong vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ứng viên hàng đầu cho vị trí Tổng thư ký NATO nhiệm kỳ tiếp theo, cho biết triển khai binh sĩ đến Ukraine không phải vấn đề trọng tâm thảo luận tại cuộc họp ngày 26/2.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói một số thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đưa binh sĩ đến Ukraine theo các thỏa thuận song phương. "Có những quốc gia, trong đó có Slovakia, tuyên bố không bao giờ làm vậy. Có những quốc gia cho rằng cần xem xét đề xuất này", ông Fico nói trước khi khởi hành về nước.
Một quan chức Nhà Trắng nói Mỹ và NATO đều không có kế hoạch đưa binh sĩ đến tham chiến ở Ukraine.
Nga chưa bình luận về thông tin.
Chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba, với tình hình chiến trường giữa Nga và Ukraine gần như không thay đổi.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi Mỹ và đồng minh tiếp tục giữ dòng viện trợ để giúp Ukraine duy trì sức mạnh. Nga mới đây đã kiểm soát thành phố Avdeevka của Ukraine, một phần nguyên nhân được cho là do Kiev thiếu đạn dược, và đang dồn lực để tiếp tục tấn công, nhưng khả năng cao không tạo được đột phá đáng kể, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn giằng co.
Tổng thống Macron ngày 26/2 thông báo phương Tây đang thiết lập liên minh để cung cấp tên lửa tầm trung, tầm xa và bom cho Ukraine tập kích sâu hơn vào phòng tuyến của Nga. Ông thêm rằng các bên "đã có sự đồng thuận chung về việc cần hành động nhiều hơn và nhanh hơn".
Theo Thủ tướng Czech Petr Fiala, khoảng 15 nước đã nhất trí tham gia sáng kiến của ông về việc mua hàng trăm nghìn viên đạn từ các nước ngoài EU để viện trợ Ukraine. Đây là điều Pháp thận trọng, bởi Paris muốn ưu tiên phát triển ngành quốc phòng của châu Âu.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa nói các bộ trưởng quốc phòng đã được giao nhiệm vụ lên kế hoạch trong 10 ngày. Thủ tướng Rutte cho biết Hà Lan sẽ đóng góp 100 triệu euro cho nỗ lực mua đạn dược từ ngoài khối.
Như Tâm (Theo AP, Reuters, AFP)