Số vụ nổ súng từ đầu tháng 6 tới nay được cảnh sát thành phố New York ghi nhận cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Các tay súng bắn vào những bữa tiệc trong nhà hay thực hiện các vụ hành quyết trên phố, khiến hơn 10 người thiệt mạng.
"Đây là tháng 6 tệ nhất kể từ năm 1996", Michael LiPetri, trưởng phòng chiến lược kiểm soát tội phạm thuộc Sở Cảnh sát New York (NYPD), hôm 22/6 cho hay.
Tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng đã trở thành một phần trong cuộc tranh luận căng thẳng về tương lai của hệ thống trị an, giữa lúc làn sóng biểu tình chống bạo lực cảnh sát sục sôi ở Mỹ. Các công đoàn cảnh sát và người ủng hộ đã cảnh báo rằng New York đang rơi vào thời kỳ tội phạm nghiêm trọng như đầu thập niên 90.
Hôm 22/6, Thị trưởng New York Bill de Blasio thông báo thành phố triển khai thêm cảnh sát xuống đường phố, nhưng tuyên bố không từ bỏ nỗ lực cải cách lực lượng cảnh sát.
"Chúng ta sẽ không quay trở lại những ngày tháng đen tối khi bạo lực đầy rẫy khắp thành phố, nhưng cũng không quay lại giai đoạn công tác trị an được thực hiện sai cách. Trong nhiều trường hợp, cộng đồng và cảnh sát không thể kết nối hoặc tìm thấy sự tôn trọng lẫn nhau", Thị trưởng Blasio nói.
Tuyên bố được Thị trưởng Blasio đưa ra sau khi New York vừa trải qua cuối tuần tồi tệ với 38 người bị bắn trong 72 tiếng. Con số này tiếp tục tăng vào hôm 22/6, khi người đàn ông 46 tuổi ở Brownsville bị một tay súng phục kích trong sảnh tòa nhà công cộng bắn chết. Tối cùng ngày, 5 người khác bị bắn tại buổi cầu nguyện ở Crown Heights.
Các thành phố khác cũng chứng kiến nhiều vụ bạo lực súng đạn tương tự. Ở Chicago, hơn 100 người bị bắn và 14 người chết cuối tuần qua. Đây là số vụ nổ súng vào cuối tuần lớn nhất kể từ năm 2012.
Tại Minneapolis, cảnh sát ghi nhận 111 trường hợp bị bắn trong 4 tuần sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi bị cảnh sát ghì chết.
Tỷ lệ giết người đã tăng lên ở 64 thành phố lớn của Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2020. Covid-19 khiến cho số vụ nổ súng giảm xuống, trước khi tăng trở lại vào tháng 5, theo Richard Rosenfeld, nhà nghiên cứu tội phạm tại Đại học Missouri - St. Louis. Cảnh sát thành phố New York báo cáo 166 vụ giết người cho tới ngày 21/6, tăng so với 134 vụ cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều người cho rằng bạo lực súng đạn gia tăng là do căng thẳng vì đại dịch và tình trạng bất ổn gần đây. Trong khi các nhà nghiên cứu tội phạm chỉ ra lý do chính là mùa hè đã bắt đầu, bởi đây được xem là mùa phạm tội khi mọi người ra ngoài lâu hơn và dễ nổi nóng.
Cảnh sát New York tin số vụ bạo lực tăng có liên quan tới luật bảo lãnh được ban hành đầu năm nay, trong đó hạn chế khả năng thẩm phán có thể yêu cầu tạm giam chờ xét xử với những người phạm một số tội nhất định, cũng như việc thả hàng nghìn tù nhân nhằm tránh nguy cơ bùng dịch Covid-19. Cảnh sát trưởng LiPetri cho biết 17% số vụ nổ súng liên quan tới người đang bị quản thúc hoặc tạm tha.
"Tôi đã nghiên cứu về tội phạm trong thời gian dài. Tôi chưa từng thấy mức tăng như vậy trước đây", Christopher Herrmann, giáo sư tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, người từng phân tích thống kê tội phạm cho NYPD, cho hay.
Ông Hermann nhận định số vụ nổ súng tăng có thể do nhiều yếu tố kết hợp, gồm "thời tiết ấm hơn, Covid-19 và mùa bạo lực súng đạn từ tháng 6 tới tháng 8".
Một số nhà nghiên cứu tội phạm khác nhận thấy tình trạng phạm tội luôn tăng sau những bất ổn về bạo lực cảnh sát. Họ dẫn chứng tỷ lệ giết người ở Mỹ đã tăng sau cuộc biểu tình vì Michael Brown, thiếu niên 18 tuổi bị cảnh sát bắn chết tại Ferguson năm 2014. Các thành phố lớn nhất ở Mỹ đã ghi nhận mức tăng 15-20% trong hai năm sau đó trước khi giảm xuống, theo Rosenfeld. Khi làn sóng bất mãn với cảnh sát ngày càng tăng, người dân thường ít gọi cảnh sát can thiệp khi gặp vấn đề, mà chọn cách tự giải quyết và dẫn tới bạo lực.
"Hoàn toàn có cơ sở để chúng ta tin rằng các vụ giết người và bạo lực khác gia tăng liên quan tới tình trạng bất ổn hiện nay", Rosenfeld nói.
Cảnh sát đã được triển khai thêm tới các khu phố, như một phần của chiến lược Summer All Out hàng năm của NYPD, trong đó sĩ quan làm công việc bàn giấy hoặc nhiệm vụ khác đều phải ra phố để ngăn bạo lực. Năm nay, khoảng 300 sĩ quan đã được điều tới các khu phố như Đông Harlem ở Manhattan, Mott Haven ở Bronx, Đông New York ở Brooklyn và Jamaica ở Queens.
Cảnh sát trưởng LiPetri cho biết từ đầu năm đến nay, cảnh sát New York mới bắt được nghi phạm trong 28% số vụ nổ súng. Các nhà điều tra thường không có đủ bằng chứng để xin lệnh bắt, bởi nạn nhân từ chối hợp tác với cảnh sát và nhiều nhân chứng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù.
Nhiều người bị bắt vì sở hữu súng trái phép sau đó được thả vì quá trình tố tụng bị đình trệ do đại dịch. Rất nhiều vụ không thể trình lên bồi thẩm đoàn trong thời hạn 6 ngày theo quy định của luật.
Trước đây, cảnh sát New York thường truy quét đối tượng sở hữu súng trái phép trên phố thông qua các đội chống tội phạm mặc thường phục. Tuy nhiên, chiến thuật quyết liệt của họ đã vấp phải nhiều khiếu nại và dẫn đến nhiều vụ nổ súng của cảnh sát. Các đơn vị này bị giải thể tuần trước.
Thay vào đó, thành phố giờ dựa vào các tổ chức phi lợi nhuận chuyên về "can thiệp bạo lực", trong đó nhiều thanh niên từng tham gia băng đảng tìm cách ngăn chặn xung đột leo thang trên phố.
Violence Out, tổ chức phi lợi nhuận can thiệp bạo lực ở Brownsville, đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân cái chết của người đàn ông 46 tuổi và ai là người muốn trả thù. Tổ chức này cho biết đây là vụ nổ súng gây chết người thứ hai tại khu phố này trong 10 ngày. "Chúng tôi thực sự quá tải", Anthony Newerls, giám đốc Violence Out, nói.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)