Tranh cãi về bạo lực cảnh sát khắp nước Mỹ đã lan tới các trường học, khi một số cơ sở đào tạo gần đây cắt quan hệ với cảnh sát địa phương, do lo ngại những sĩ quan đó đại diện cho mối đe doạ nhiều hơn là sự bảo vệ.
Các học khu ở thành phố Minneapolis, Seattle và Portland đã cam kết sẽ giải tán cảnh sát trường học vì cho rằng sự hiện diện của những nhân viên hành pháp vũ trang trong khuôn viên trường học khiến "nhiều học sinh và nhân viên trường học không cảm thấy an toàn tuyệt đối".
Tại Oakland, bang California, các lãnh đạo thành phố hôm 10/6 bày tỏ sự ủng hộ phương án giải tán lực lượng cảnh sát trong trường học, trong khi Hội đồng Giáo dục Denver cũng nhất trí bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng với lực lượng này. Ở Los Angeles và Chicago, hai trong số ba học khu lớn nhất cả nước, các công đoàn giáo viên đang thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa cảnh sát ra khỏi trường học.
Một số giáo viên và học sinh, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi, nói rằng họ coi các sĩ quan trong trường là một mối nguy hiểm hơn là một bức tường bảo vệ họ trước mọi nguy cơ, từ đánh nhau đến sử dụng ma tuý hay thậm chí là xả súng.
Không thiếu bằng chứng để củng cố cho mối lo ngại trên. Tháng 11 năm ngoái, một sĩ quan cảnh sát trường học ở hạt Orange đã bị sa thải sau khi xuất hiện đoạn video anh này túm tóc và dúi đầu một học sinh cấp hai để giải quyết ẩu đả. Vài tuần sau, một sĩ quan ở hạt Vance cũng mất việc do liên tục đẩy một cậu bé 11 tuổi xuống đất.
Nadera Powell, 17 tuổi, cho biết việc nhìn thấy các sĩ quan cảnh sát trên hành lang trường trung học Venice ở Los Angeles đã gửi một thông điệp rõ ràng tới những học sinh da màu như em: "Đừng quá thoải mái dù trường học là ngôi nhà thứ hai. Chúng tôi luôn theo dõi bạn. Chúng tôi có thể hành động pháp lý hoặc thậm chí động tay động chân để chống lại bạn".
Powell nhớ lại khi học sinh tuần hành để phản đối bạo lực súng đạn và thúc đẩy nhận thức về môi trường trong hai năm qua, một số sĩ quan đã ngăn học sinh rời khỏi sân trường hoặc cãi cọ với họ.
"Tất cả người da màu ở đây đều bị coi là mối đe doạ", Powell nói.
Trong nhiều năm, các nhà hoạt động đã kêu gọi hạn chế sự xuất hiện của cảnh sát trong khuôn viên trường học. Họ dẫn dữ liệu cho thấy các vụ xả súng hàng loạt như ở Parkland, bang Florida hay ở Newtown, bang Connecticut, là "rất rất hiếm" và tội phạm trong trường học cũng đã giảm trong những năm gần đây.
Theo một số phân tích và nghiên cứu, sự hiện diện của các sĩ quan cảnh sát trên hành lang trường học có tác động sâu sắc đến các học sinh da màu và những người khuyết tật khi họ có khả năng bị phạt nặng hơn chỉ vì các hành động sai phạm thông thường.
Tuy nhiên, nỗ lực để giải tán cảnh sát trường học cũng phải đối mặt với nhiều rào cản, như sự phản kháng từ chính cảnh sát, những người thường có quyền lực chính trị, và nỗi lo từ một số phụ huynh và quan chức nhà trường rằng điều này có thể khiến trường học và học sinh dễ bị tổn thương.
Jumoke Hinton Hodge, một thành viên Hội đồng Giáo dục Oakland, cho biết dù rất ủng hộ phong trào "Mạng người da màu cũng quan trọng", cô kịch liệt phản đối nỗ lực giải tán cảnh sát trường học. Hodge cho biết những sĩ quan này được trang bị phù hợp để làm việc với thanh thiếu niên hơn là cảnh sát thành phố, lực lượng có thể được gọi tới trường thường xuyên khi các học khu không còn cảnh sát.
Hodge nói thêm các sĩ quan cảnh sát trường học được đào tạo để ngăn các vụ nổ súng trong trường và họ có thể kịp thời ứng phó với những báo cáo của học sinh về lạm dụng tình dục hoặc nguy cơ tự tử.
Tại thành phố New York cuối tuần trước, hàng trăm giáo viên và học sinh đã biểu tình kêu gọi cảnh sát phải rời khỏi trường học và thay thế bằng các cố vấn và nhân viên xã hội. Thị trưởng Bill de Blasio đã cam kết chuyển một số khoản tài trợ của sở cảnh sát vào các dịch vụ xã hội cho trẻ em, song vẫn chưa sẵn sàng để giảm số cảnh sát tại trường học.
Thị trưởng Lori Lightfoot ở Chicago cũng từ chối đề nghị từ các công đoàn giáo viên về việc giải tán lực lượng sĩ quan trường học, cho biết họ vẫn cần thiết để đảm bảo an ninh.
Mo Canady, lãnh đạo Hiệp hội Các sĩ quan Trường học, cho biết ông thất vọng khi thấy mọi người tìm cách liên hệ cảnh sát trường học với cái chết của George Floyd ở Minneapolis. Ông gọi cái chết của Floyd là trường hợp lạm dụng kinh khủng nhất của cảnh sát mà ông từng chứng kiến trong sự nghiệp.
Canady cho biết những sĩ quan cảnh sát trường học được đào tạo tốt sẽ hoạt động như những cố vấn và những người làm giáo dục, có thể tiếp xúc với học sinh để xoa dịu xung đột và giải quyết các vấn đề như sử dụng rượu, ma tuý.
"Thông điệp gửi tới các lãnh đạo giáo dục là: Ném chuột đừng để vỡ bình", Canady nói.
Các cơ quan cảnh sát thường phản hồi cuộc gọi từ nhân viên nhà trường, nhưng sự hiện diện thường xuyên của cảnh sát tại trường học không phổ biến cho đến những năm 1990. Đó là khi mối lo ngại về xả súng hàng loạt, sử dụng ma túy và tội phạm vị thành niên đã khiến các quan chức bang và liên bang phải chi ngân sách để thuê sĩ quan và mua thiết bị hỗ trợ như máy dò kim loại.
Theo báo cáo năm 2018 từ Viện Đô thị, trong năm 2013-2014, hai phần ba học sinh trung học phổ thông, 45% học sinh trung học cơ sở và 19% học sinh tiểu học đã học tại những ngôi trường có sĩ quan cảnh sát. Các trường có đa số học sinh da màu thường nhiều sĩ quan cảnh sát hơn những trường có số học sinh da trắng cao.
Tuy nhiên, Cơ quan Khảo sát Quốc hội Mỹ năm 2013 kết luận rằng có rất ít nghiên cứu nghiêm ngặt cho thấy mối liên hệ giữa sự hiện diện của lực lượng cảnh sát trường học với những thay đổi về tỷ lệ tội phạm hoặc kỷ luật học sinh.
Sau khi Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ tại California và cơ quan tư pháp bang điều tra về những hành vi kỷ luật hà khắc tại các trường ở Stockton, lực lượng cảnh sát trường học đã đồng ý thiết lập những hạn chế mới trong sử dụng vũ lực cũng như thời điểm được bắt học sinh.
Hiện hội đồng trường học ở Stockton đang lên kế hoạch xem xét quyết định giải tán các sĩ quan cảnh sát trường học và phân bổ lại ngân sách cho những chương trình như nghiên cứu về sắc tộc, tư vấn và khôi phục công lý.
"Sẽ không có thay đổi thực sự cho đến khi cảnh sát rời khỏi trường học", Jasmine Dellafosse, một nhà hoạt động của nhóm Đoàn kết cho Công lý, khẳng định.
Ngọc Ánh (Theo New York Times)