Reed giờ cảm thấy nỗi đau cũ lặp lại khi tham gia biểu tình vì cái chết của George Floyd, người da màu 46 bị cảnh sát ghì gáy gần 9 phút ở Minneapolis. Trực thăng ù ù trên đầu, cảnh sát trang bị khiên và dùi cui, khẩu hiệu "không có công lý, không có hòa bình", tất cả đều giống khung cảnh cuộc biểu tình năm 2014.
Khi lực lượng chống bạo động dàn hàng trước sở cảnh sát thành phố, Reed hiểu cô phải rời đi. Cô không thể chịu đựng nổi nếu phải chứng kiến cảnh bạo lực xảy ra lần nữa. "Nó đã quá quen thuộc với tôi", Reed, nhà hoạt động 30 tuổi, nói.
Sau khi cái chết của Brown thúc đẩy phong trào "Mạng người da màu cũng quan trọng" ở ngoại ô St. Louis, bang Missouri hồi năm 2014, yêu cầu cải cách hệ thống trị an của người biểu tình đã khiến tên của thành phố gắn liền với cuộc đấu tranh đòi công bằng sắc tộc. Trong những năm qua, Ferguson đã có những đổi thay.
4 trong 6 thành viên hội đồng thành phố là người da màu, so với chỉ một người cách đây 6 năm. Cảnh sát trưởng người da màu hiện lãnh đạo một sở cảnh sát đa dạng về chủng tộc hơn, trong đó các sĩ quan đều phải gắn camera trên người. Người da màu không còn bị phạt với đủ loại lý do như trước. Ferguson tháng này cũng chứng kiến một bước ngoặt lịch sử khi có thị trưởng da màu đầu tiên là Ella Jones.
Tuy nhiên, nhiều cư dân cho biết nạn phân biệt chủng tộc vẫn bám rễ sâu ở Ferguson, khi các khu phố da màu vẫn bị kiểm soát quá mức. Dù đã có ban lãnh đạo đa sắc tộc hơn, những tàn dư cũ vẫn còn.
Họ nói rằng thành phố chậm thực hiện các cải cách theo quyết định của Bộ Tư pháp về thay đổi hành vi phân biệt chủng tộc, như thành lập hội đồng đánh giá dân sự và thu thập dữ liệu về hành vi sử dụng vũ lực của cảnh sát. Phần lớn giải pháp cải thiện kinh tế đều tập trung vào các cộng đồng da trắng, giàu có hơn, theo phân tích của Washington Post năm 2018.
Chris Phillips, nhà hoạt động từng sống cùng khu chung cư với Brown, cho biết nhiều cư dân Ferguson vẫn cảm thấy lo sợ trước cảnh sát địa phương và bày tỏ bất bình của mình trong các cuộc biểu tình vì Floyd.
"Bạn vẫn thấy cảnh sát hiện diện ở đây như trước. Không có gì thay đổi. Nó hoàn toàn khác biệt với khu phố của tầng lớp trung lưu da trắng", Phillips nói và thêm rằng điều này khiến cảm giác lo sợ của người Mỹ gốc Phi không biến mất.
Ngày 6/6, một đoạn video được chia sẻ ở thị trấn lân cận cho thấy cảnh sĩ quan cảnh sát da trắng lái xe đâm nghi phạm da màu không có vũ khí và tiếp tục đánh sau khi người này đã ngã ra đường. Sĩ quan cảnh sát này bị sa thải hôm 10/6.
Những người từng tham gia biểu tình ở Ferguson xem vụ bạo lực cảnh sát mới nhất là bằng chứng về phân biệt chủng tộc có hệ thống vẫn tồn tại. Cảnh sát trên khắp nước Mỹ đã bắn và giết gần 1.000 người trong năm 2014, theo Washington Post. Họ cũng bị ghi lại nhiều cảnh sử dụng vũ lực quá mức trong các cuộc biểu tình và trên con phố gần Nhà Trắng.
"Tôi nghĩ bằng cách nào đó, nó thực sự khiến nhiều người xuống đường và khiến cộng đồng da màu hiểu rằng làn sóng biểu tình này sẽ mang tới kết quả như ở Ferguson. Nhưng có những điều rất khó trở thành hiện thực và nhiều năm trôi qua kể từ sau cái chết của Brown, rất ít cải cách thực sự được tiến hành", Reed nói.
Thị trưởng Ella Jones, 65 tuổi, từng là mục sư và kinh doanh mỹ phẩm. Jones cho biết cái chết của Brown và làn sóng biểu tình sau đó đã truyền cảm hứng cho bà dấn thân vào chính trị. Năm 2015, bà giành được một vị trí trong hội đồng thành phố. Năm 2017, bà tranh cử ghế thị trưởng nhưng không thành công. Đến tháng 6 này, bà mới trở thành Thị trưởng của Ferguson.
Tuy nhiên, bà chưa từng tham gia bất kỳ phong trào biểu tình nào của thành phố và do đó, một số người tỏ ra hoài nghi. "Chúng tôi sẽ đợi xem bà ấy định làm gì. Nếu bạn muốn biết người biểu tình nghĩ sao về Ella, hầu hết họ sẽ không đặt niềm tin mù quáng vào bà ấy", Phillips nói.
Jones cho biết sau cái chết của Brown, bà tin rằng điều tốt nhất có thể làm là bước chân vào tòa thị chính. "Khi bạn biểu tình, bước tiếp theo sẽ là gì? Tôi tranh cử vào hội đồng thành phố và đó là cách tôi nói Ferguson cần thay đổi", bà nói.
Mục tiêu chính của Jones là hoàn thành các điều khoản trong "thỏa thuận đồng thuận" năm 2016, gồm cải thiện quá trình đào tạo, tăng cường giám sát dân sự và tăng tính đa dạng về chủng tộc. Thành phố đã ký hợp đồng với một công ty chuyên thu thập dữ liệu về cáo buộc sử dụng vũ lực và nhiều hoạt động khác, theo bà Jones. Thỏa thuận trên được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp Mỹ phát hiện sở cảnh sát thường xuyên vi phạm quyền của người da màu tại các điểm dừng giao thông, thu tiền phạt bất hợp pháp, bắt giữ vô cớ và sử dụng vũ lực quá mức.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động vẫn cho rằng những nỗ lực của bà Jones chưa đủ để giải quyết các vấn đề tồn tại của thành phố. "Bà ấy có cơ hội để đạt được nhiều tiến bộ hơn và biểu quyết các vấn đề có lợi hơn cho thành phố. Nhưng bà ấy không nắm bắt được những cơ hội đó", Phillips nói.
Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động và biểu tình kỳ cựu ở Ferguson cho rằng các cải cách dường như không mang lại thay đổi, khi bạo lực cảnh sát vẫn tồn tại. "Cải cách cảnh sát cũng bị phân mảnh như tình hình chính trị hiện nay", Reed nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)