Hội đồng thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, muốn giải tán sở cảnh sát sau cái chết của George Floyd nhưng chưa biết phải làm như thế nào. Những gì diễn ra ở thành phố Camden, bang New Jersey, cách đây 7 năm có thể là một ví dụ cho họ.
Camden, thành phố với gần 74.000 dân, bằng 17% Minneapolis, từng là "điểm đen" ma túy ở Mỹ. Chỉ trong khu vực hơn 23 km2, khoảng 170 chợ trời buôn bán ma túy mọc lên, theo báo cáo của giới chức thành phố năm 2013.
Tội phạm bạo lực đầy rẫy ở Camden. Giai đoạn 2010-2013, thành phố này báo cáo 37-67 vụ giết người mỗi năm, khiến Camden được xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất ở Mỹ.
Vấn nạn tham nhũng trong hàng ngũ cảnh sát thành phố được cho là nguyên nhân cốt lõi. Theo hồ sơ các vụ kiện nhằm vào sở cảnh sát Camden, các sĩ quan thường ngụy tạo bằng chứng, làm giả báo cáo và khai man trước tòa. Sau khi các vụ tham nhũng trong lực lượng cảnh sát bị phanh phui, tòa án đã đảo ngược phán quyết với 88 người, theo báo cáo của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) năm 2013.
Trước tình trạng tham nhũng ăn sâu bén rễ trong lực lượng cảnh sát khiến tội phạm bạo lực tràn lan, giới chức Camden cho rằng mọi nỗ lực cải cách sẽ đều "phí công vô ích". Năm 2012, họ bỏ phiếu thông qua kế hoạch giải tán sở cảnh sát để "thay máu" toàn bộ.
Theo kế hoạch này, năm 2013, sở cảnh sát thành phố Camden bị giải thể và được thay thế bằng lực lượng mới với tên gọi Sở cảnh sát hạt Camden. Toàn bộ nhân sự của sở cảnh sát này là những người hoàn toàn mới.
Hai mục tiêu của giới chức thành phố đặt ra khi lập lực lượng cảnh sát mới là giảm tình trạng tội phạm bạo lực và giúp người dân thấy an toàn.
Louis Cappelli, quan chức hạt Camden, cho biết lực lượng cảnh sát mới vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng nỗ lực của họ trong 7 năm qua là thành công lớn. Tỷ lệ tội phạm đã giảm từ 79 trường hợp/1.000 dân xuống còn 44/1.000 dân, tương đương 42%, trong 7 năm qua, theo dữ liệu của sở cảnh sát hạt Camden.
Ông Cappelli tin rằng thành công này là nhờ "chính sách trị an vì cộng đồng", trong đó ưu tiên xây dựng mối quan hệ hợp tác và cùng giải quyết vấn đề giữa cảnh sát với người dân, thay vì chỉ sử dụng vũ lực và xử phạt.
Cách tiếp cận này được phản ánh ngay trong ngày làm việc đầu tiên của cảnh sát: sau khi vào làm việc tại sở, họ được yêu cầu tới chào hỏi từng nhà trong khu phố phụ trách. Họ giới thiệu về bản thân và hỏi người dân về những điều muốn được cải thiện.
Khóa huấn luyện nghiệp vụ cảnh sát cũng tập trung nhiều hơn vào chiến thuật giảm leo thang căng thẳng, theo Cappelli. Quy định của sở cảnh sát này nêu rõ các sĩ quan chỉ sử dụng vũ lực chết người như lựa chọn cuối cùng.
Hiện nay, cảnh sát Camden thường tổ chức tiệc nướng ngoài trời hay dừng các xe tải bán kem Mister Softee để giao lưu với người dân. Họ cũng tổ chức các buổi chiếu phim ngoài trời, gần đây là "Vua Sư tử", dọc khu vực từng được mệnh danh là "Xa lộ Heroin" của thành phố.
Sáng kiến hướng tới cộng đồng cũng khiến việc đa dạng hóa sắc tộc trong lực lượng cảnh sát hạt Camden được ưu tiên. Người da trắng chiếm số ít ở thành phố, nên sở cảnh sát Camden đã tập trung tuyển mộ nhiều sĩ quan da màu để phục vụ người dân cộng đồng này. Ông Cappelli cũng cho biết họ cũng tuyển lại hơn 100 sĩ quan từng làm việc cho sở cảnh sát cũ, nâng tổng số nhân viên của lực lượng này lên hơn 400.
"Chúng tôi muốn đảm bảo cư dân thành phố biết rằng các con phố đều thuộc về họ. Họ cần phải tuyên bố sở hữu chúng, thay vì để những kẻ buôn ma túy và tội phạm lộng hành", Cappelli nói.
9 trong 12 thành viên Hội đồng thành phố Minneapolis, bang Minnesota, hôm 7/6 tuyên bố họ có ý định giải tán sở cảnh sát sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi hôm 25/5. Tuy nhiên, giới chức thành phố cho biết họ chưa biết sẽ thay thế sở cảnh sát bằng lực lượng nào.
Camden và Minneapolis không giống nhau. Camden chỉ có 1/4 dân số là người da trắng, nhưng có tới 42% người da màu và hơn 50% người gốc Latinh. Trong khi đó, Minneapolis có 63% dân số là người da trắng, người da màu chiếm chưa tới 19%. Dân số của Camden cũng ít hơn Minneapolis khoảng 356.000 người.
Không phải người dân Camden nào cũng cho rằng nỗ lực "thay máu" cảnh sát đã thực sự thành công. Ojii BaBa Madi, cư dân sống lâu năm ở Camden, cho biết ông không thấy mối quan hệ giữa người dân và cảnh sát được cải thiện, vì nhiều sĩ quan mới không sống ở đây hoặc không biết nhiều về cộng đồng này.
Ngoài ra, ông thêm rằng vấn đề chủng tộc cũng chưa được giải quyết triệt để ở Camden, vì trong 7 cảnh sát trưởng chỉ có một người Mỹ gốc Phi.
Tuy nhiên, theo Madi, điều được cải thiện là cảnh sát sẵn lòng đối thoại mang tính xây dựng với người dân và lãnh đạo cộng đồng. Kể từ khi cảnh sát đóng cửa các chợ bán ma túy, người dân Camden cũng cảm thấy an toàn hơn nhiều.
Ông Madi cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn lực lượng cảnh sát là "điều xa vời", bởi tội phạm vẫn còn tồn tại. "Tôi vẫn muốn duy trì cảnh sát, trong khi thành phố này và cả xã hội tìm cách thay đổi chính sách hành pháp hiện tại", ông nói.
Nyeema Watson, cư dân lâu năm ở Camden và phó khoa về vấn đề xã hội tại Đại học Rutgers, cho rằng phần lớn cải cách mang đến tác động tích cực. Cảnh sát hiện diện nhiều hơn, đồng thời người dân cũng tin tưởng và chào đón họ hơn.
Joseph Wysocki, giám đốc sở cảnh sát hạt Camden, hồi tháng 5 xuống đường tham gia biểu tình "Mạng người da màu cũng quan trọng" cùng cư dân thành phố. Watson cho biết việc Wysocki thừa nhận "nỗi đau, sự tức giận và thất vọng" của người da màu về bạo lực cảnh sát có tác động rất lớn.
Tuy nhiên, Watson và Madi đều đồng tình rằng nhiều vấn đề của thành phố vẫn chưa được giải quyết. Họ cho rằng giới chức cần làm nhiều hơn thay vì chỉ dừng lại ở thay đổi lực lượng hành pháp.
"Chúng tôi vẫn còn nhiều vấn đề xã hội khác như thất nghiệp, bất bình đẳng y tế và khó khăn kinh tế. Đây là nguyên nhân dẫn tới phạm tội", Watson nói.
"Ngoài cảnh sát, thành phố này còn quá nhiều vấn đề có thể dẫn tới leo thang căng thẳng", Madi nói, ám chỉ tới quá trình cải tạo đô thị, tình trạng nghèo đói và nghiện ma túy. "Về cơ bản, Camden vẫn là thành phố có hai bộ mặt".
Thanh Tâm (Theo CNN, Al Jazeera)