Ở công ty khi trước đây tôi còn làm việc, có một nhân viên lái xe cho giám đốc rất hoạt ngôn. Thật ra anh ta xuất thân là nhân viên phòng kế toán, có bằng trung cấp nhưng anh ta yếu nghiệp vụ không làm được việc chuyên môn. Nói chung là khả năng trình độ kém nên bố trí ở phòng kế toán cho đủ tụ.
Tuy nhiên tài năng của anh ta thể hiện ở chỗ khi đơn vị làm dự án mới, có văn bản đề xuất với tổng công ty, hay có những giấy tờ, chứng từ kế toán bị lỗi, bị ách lại bởi cấp chủ quản, hay khi quan hệ, giao dịch với các ban ngành liên quan... Khi đó đơn vị giao anh ta đi quan hệ, đối ngoại thì đều được hanh thông, nhanh chóng được giải quyết.
Nguyên nhân anh có quan hệ rộng và có khả năng giao tiếp. Trong họp hành hội nghị, bàn đến chuyên môn, nghiệp vụ hay những buổi họp góp ý phê bình bầu bán, anh ta chẳng nói gì, rất dĩ hòa vi quy. Anh không làm mất lòng ai, không gây căng thẳng về chuyên môn với đồng nghiệp.
>> Đâu phải có tiền mở công ty thì ung dung làm sếp
Những cuộc nhậu vì quan hệ cấp trên, với khách hàng, liên hoan, đi chơi...thì đơn vị không thể thiếu anh ta được vì anh rất hoạt ngôn, ứng đối lanh lợi được lòng các đối tác, khách hàng, khách mời và cấp trên. Nhảy múa lăng xăng được, làm trò được, hát hò được, sành nhiều chốn ăn chơi... nên anh được chọn là tài xế, là cán bộ đường lối của giám đốc khi ra ngoài cổng công ty.
Khi nhân viên phản ánh anh ta kém chuyên môn, giám đốc nói: "Anh ta làm được những việc mà người khác không làm được. Ngày xưa, anh em mình đi học cũng có cán bộ lớp phó văn thể mĩ là người có năng khiếu. Hay lớp phó kỷ luật, cô giáo chọn em nào bậm trợn quậy nhất cho làm để quản mới được lớp. Đâu phải lúc nào cán bộ lớp cũng là người học giỏi, làm được việc, đạo đức tốt đâu, đúng không? Khi anh cần quan hệ với khách hàng, đối tác, cấp trên... cần người mua vui làm trò, kể chuyện tiếu lâm, quậy phá một tí để tiếp khách thì nhờ đến anh ta. Bàn công việc chuyên môn nghiêm túc thì nhờ đến anh em chuyên môn.
Đến sếp tổng giám đốc còn phải nể anh ta vài phần. Anh ta có thể chuyên môn không cao nhưng có sự giảo hoạt làm vừa lòng các sếp trên tổng. Lãnh đạo, gia đình lãnh đạo trên tổng có việc gì là anh ta hăng hái hỗ trợ, vậy thì có ai không thích anh ta".
Mấy năm sau đó, anh nhân viên hoạt ngôn được làm trưởng phòng quan hệ đối ngoại của công ty. Năm năm sau khi sếp về hưu, anh nhân viên hoạt ngôn được đề cử lên làm giám đốc công ty làm mọi người chưng hửng. Anh ta không chỉ được tín nhiệm trên tổng mà khi họp hành lấy phiếu tín nhiệm tại đơn vị, anh ta cũng được phiếu cao nhất so với các đối thủ khác.
Vì sao mọi người trong công ty biết năng lực anh như vậy mà vẫn tín nhiệm? Không chỉ đáng phục về mặt ngoại giao, nể vì mối quan hệ như đã nói trên mà mọi người còn ngã mũ về mặt gây ảnh hưởng bằng kinh tế bằng cách hỗ trợ tiền cho nhiều nhân viên.
>> Mới ra trường, tôi bị khủng hoảng nghề nghiệp vì 'cái gì cũng biết'
Công bằng mà nói, có người bằng những tài lẻ mà thành đạt, hữu dụng, nổi tiếng đáng ngưỡng mộ, không phải là hiếm. Ví như chuyện tướng quốc nước Tề là Mạnh Thường Quân, thời Xuân Thu, nhờ những người thuộc hạ giả làm chó, làm gà, làm giấy tờ giả... mà thoát khỏi hang hùm khi bị bắt giữ ở nước Tần hung bạo, trong khi bao kẻ thuộc hạ anh kiệt khác không làm được.
Hay như nhân vật Phùng Hoan dưới trướng của Mạnh Thường Quân không có tài cán văn võ gì nổi bật, chỉ là người có đức hạnh, hoạt ngôn, mưu lược và giỏi ngoại giao đã giúp cho họ Mạnh ngày càng phát triển và nổi tiếng.
Những người dạng "Xuân Tóc Đỏ" này ở thời đại nào cũng có, nơi nào cũng có. Chiến lược hành động của họ ngày càng khác hơn trong thời đại mới. Ở một góc độ nào đó họ cũng là người hữu dụng, đáng được sử dụng.
>> 'Không làm nổi 18 tiếng một ngày thì đừng mong thành ông chủ'
Tuy nhiên theo tôi, một công ty chỉ nên có những nhân viên như vậy. Cao hơn có thể là cán bộ cấp trung, cán bộ tham mưu ngoại giao, quan hệ, văn thể mỹ... Còn nếu làm lãnh đạo mà chỉ có tài ngoại giao, chuyên môn kém thì thật sự nguy hiểm.
Lãnh đạo là người định hướng phát triển cho đơn vị. Nhất là đơn vị sản xuất thì càng cần lãnh đạo là người phải có năng lực chuyên môn (chưa kể lãnh đạo phải có tâm và trí). Có thể lãnh đạo không phải là người giỏi chuyên môn nhất nhưng việc quản lý chỉ bằng miệng lưỡi, tiền, quan hệ mà không có kiến thức, kỹ năng sẽ khó có những quyết định đột phá làm cho đơn vị phát triển.
Tín Trọng Quản
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.