Nhân viên đang đánh máy hóa đơn bán hàng bằng vi tính (đánh máy xong lưu dữ liệu luôn, một công đôi chuyện) thì sếp bảo dừng cái việc ấy lại ra ngoài tiếp một ông khách khó tính nào đó.
Nhân viên không đi vì công việc của người này là đánh máy hóa đơn và quản lý dữ liệu, không phải nhân viên thị trường. Đại loại như vậy. Công ty to luôn như vậy, người nào việc nấy chứ công ty nhỏ thì ôi thôi, một người nhất định là kiêm nhiệm n trong một. Càng là n trong 1 thì càng tùy tiện không theo nguyên tắc nào. Nguyên tắc làm việc của công ty với nhiều người nhiều bộ phận nhiều công việc có thể dày như một cuốn từ điển nhưng tại vị trí của mỗi người thì nó chỉ tương đương với một tờ giấy A4.
Khi xảy ra xung đột công việc giữa hai người (cũng có thể gọi là xung đột nguyên tắc) thì sẽ có cấp trên đứng ra dàn xếp. Việc này, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến thay đổi nguyên tắc cục bộ giữa hai người đó.
>> 'Khủng hoảng nghề nghiệp vì cái gì cũng biết' - bạn nên phấn đấu làm sếp
Ngành nghề nào cũng cần quy trình, tây gọi là quy trình chứ ta đã gọi nó bằng một cái tên khác từ rất lâu - nguyên tắc. Làm việc, sinh hoạt, học tập, vui chơi... tất cả đều phải có nguyên tắc, nếu không sẽ trở thành tùy tiện mà tùy tiện thì khó kiểm soát.
Mất kiểm soát thì khi xảy ra chuyện, tất yếu sẽ đổ thừa linh tinh mà không hiểu nguyên nhân xuất phát từ đâu. Có những nguyên tắc "cứng" bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt. Cũng có những nguyên tắc "mềm" quy định tuân thủ linh hoạt theo hoàn cảnh. Nguyên tắc là do con người đặt ra với cấp dưới trực tiếp của mình để dễ kiểm soát công việc, với chính mình để kiểm soát chính mình. Cùng một công việc, công ty này có nguyên tắc khác công ty kia là bình thường. Nguyên tắc không phải là bất di bất dịch, nó có thể thay đổi cho phù hợp điều kiện hoàn cảnh mới phát sinh.
Khi thay đổi nguyên tắc với ai, bạn phải triệu tập người đó đến. Ta gọi là họp hành, để nghe bạn phổ biến nguyên tắc mới.
Trừ phi là nguyên tắc áp dụng cho chính mình, nguyên tắc không phải là thứ dễ dàng thay đổi vì nó có liên quan đến ít nhất một người hoặc một công việc khác.
>> Mới ra trường, tôi bị khủng hoảng nghề nghiệp vì 'cái gì cũng biết'
Một nhân viên mới, chỉ cần đọc nguyên tắc ở phần anh ta được giao, sẽ rút ngắn đáng kể thời gian thử việc. Ngày nay, trong các trường đại học cao đẳng dạy nghề, người ta cũng dạy luôn cả nguyên tắc cho một công việc nào đó mà nguyên tắc ấy có tính tổng quát có thể áp dụng ở mọi doanh nghiệp. Khi đi làm cho một doanh nghiệp cụ thể, nhân viên mới chỉ cần chỉnh sửa lại một chút cho phù hợp với nguyên tắc riêng của doanh nghiệp đó. Chính vì thế, người ta gần như không còn cái gọi là thời gian thử việc hoặc thời gian thử việc của họ là rất ngắn, thường không quá một tuần đến nửa tháng. Làm việc theo nguyên tắc thì bạn sẽ có quyền hạn nhất định ở công việc bạn đang làm, không ai có thể can thiệp, cho dù người đó có là cấp trên của bạn.
Như vậy, ta có thể hiểu, nguyên tắc chính là luật mà luật này chỉ áp dụng trong phạm vi rất hẹp là trong doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ hoặc cơ quan hành chính bất kỳ. Làm việc theo nguyên tắc thì ai giỏi hay dở hơn ai? Xin thưa, nguyên tắc chỉ là cái khung buộc bạn không được đi quá giới hạn nào đó mà thôi. Còn trong phạm vi cái khung ấy, bạn có quyền sáng tạo đủ thứ sao cho công việc của bạn hiệu quả hơn. Ai giỏi hay dở hơn ai là do sự sáng tạo riêng của mỗi người.
Muốn nhân viên phải nhiệt tình nhiệt huyết trong công việc nhưng lại bài xích nguyên tắc quy trình, là bạn quên mất câu nói "nhiệt tình + dốt nát = phá hoại". Nguyên tắc này ở trường đại học (thời bao cấp) tôi phải học đến 6 đơn vị học trình và phải thi lại hai lần mới vượt qua được, nên nó in sâu vào đầu tôi lâu lắm.
>> 'Cử nhân thất nghiệp nhiều vì nhà tuyển dụng đố kỵ và thiếu trách nhiệm'
Ra làm việc cho công ty to, đụng cái gì cũng nguyên tắc, cãi nhau với đồng nghiệp như cơm bữa vì không hiểu nguyên tắc công việc của họ (thời đó nguyên tắc không được in thành văn bản như bây giờ), xung đột quyền hạn với cấp trên trực tiếp, tùy tiện can thiệp vào công việc của cấp dưới bị họ phản ứng... Rồi, cho đến khi mình trở thành sếp, chính mình phải đề ra nguyên tắc và phải chịu trách nhiệm với những nguyên tắc ấy.
Bạn tưởng có vốn ra mở công ty là có thể làm chủ sao? Không biết tự đề ra nguyên tắc làm việc cho mình và mọi người thì tốt nhất là thuê giám đốc, tự mình điều hành sẽ làm công việc chung rối tung. Hồi mới vào làm tôi cứ tưởng giám đốc là người làm việc nhàn hạ lương cao, tối ngày đi tới đi lui chỉ tay 5 ngón. Rồi chính mình trở thành giám đốc mình mới biết cái gì là giám đốc, là làm việc bằng cái đầu không làm việc bằng cơ bắp.
Lương có cao thật nhưng không hề nhàn hạ. Có đi tới đi lui nhưng phải đi đúng nơi đúng chỗ. Có chỉ tay 5 ngón nhưng phải chỉ đúng lúc đúng việc. Nhân viên hết giờ làm ra khỏi công ty thì công việc vứt lại công ty, có gì mai làm tiếp. Giám đốc thì mang cả việc về nhà để làm còn không hết việc. Làm chủ, anh chỉ cần một kỹ năng duy nhất - đọc hiểu báo cáo tài chính. Còn làm giám đốc... May mà tôi từ lính trơn bò dần lên nên cũng không đến nỗi nào, chứ nhiều người vừa ra đã làm giám đốc luôn, chả hiểu làm việc kiểu gì.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.