Đầu tuần này, giới chức y tế cảnh báo đất nước trên bờ vực mất kiểm soát. Nepal đã kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp từ quốc tế. Hôm 6/5, đất nước báo cáo con số kỷ lục: 9.070 ca nhiễm một ngày. Thủ tướng KP Sharma Oli, người từng bị chỉ trích vì chậm xử lý cuộc khủng hoảng, đã yêu cầu quân đội hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến đầu, giảm bớt áp lực đối với y bác sĩ.
Với tình trạng thiếu vaccine và bệnh viện quá tải, các đợt bùng phát nghiêm trọng đã tấn công cả thủ đô Kathmandu cũng như phía tây nam đất nước. Tỷ lệ dương tính quốc gia được báo cáo ở mức đáng kinh ngạc: 47%. Con số thậm chí cao hơn ở một vài địa điểm.
Đầu tuần này, ông Oli kêu gọi các nước hỗ trợ vaccine. Giới chức trước đó cho biết người đã nhận vaccine AstraZeneca cần tiêm liều thứ hai. Tuy nhiên, nguồn cung của quốc gia thiếu hụt.
Chiến dịch tiêm chủng bừa bãi của chính phủ và việc người dân phải xếp hàng vài giờ được cho là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan mạnh mẽ. Đất nước ban hành đợt phong tỏa mới. Hầu hết các chuyến bay quốc tế bị hủy bỏ. Giới chức đặt các trạm kiểm soát trên đường đến sân bay.
Một trong những khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất là thành phố Nepalgunj, gần biên giới với bang Uttar Pradesh của Ấn Độ. Covid-19 bùng phát khi hàng nghìn lao động Nepal nhập cư Ấn Độ ồ ạt trở về quê hương trước khi đất nước đóng cửa biên giới.
Alexander Matheou, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, cho biết: "Chúng ta cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn thảm họa nhân loại".
Netra Prasad Timsina, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nepal, nhận định: "Những gì đang xảy ra tại Ấn Độ lúc này là một viễn cảnh kinh hoàng về tương lai của Nepal nếu chúng ta không thể ngăn chặn đợt bùng phát mới đang cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn".
Nripendra Khatri, thành viên Dịch vụ Cứu trợ Công giáo, mô tả tình hình và những khó khăn cản trở phản ứng của Nepal đối với cuộc khủng hoảng: "Tại Kathmandu, nhiều người ở nhà vì tốc độ lây lan của virus. Đồng thời, tại các bệnh viện và nhà thuốc, người dân xếp hàng dài. Do các thành phố lớn đã phong tỏa, việc tiếp cận phương tiện giao thông và thuốc men cũng bị ảnh hưởng. Các lò hỏa táng trên khắp đất nước kín chỗ. Nhiều gia đình không thể thực hiện nghi thức tâm linh cuối cùng cho người đã khuất".
Theo ông Khatri, Nepal gặp nhiều khó khăn về hậu cần, đặc biệt là các thiết bị y tế chuyên dụng. Quốc gia không giáp biển, nguồn cung thường đến từ Ấn Độ qua đường bộ. Tuy nhiên, đất nước tỷ dân hiện đang cần sử dụng tất cả thiết bị y tế dự trữ.
"Nghĩa là mọi thứ đều được chuyển đến qua đường hàng không. Tất cả các chuyến bay thương mại đều bị đình chỉ, trừ hai chuyến bay một tuần từ New Delhi. Khi nguồn cung đến Kathmandu, chúng được vận chuyển tiếp qua một vùng núi", ông Khatri nói.
Nhiều nơi chỉ có thể đi băng đường đất hoặc đi bộ. Đối phó với cuộc khủng hoảng, đảm bảo các ngôi làng hẻo lánh tiếp cận nguồn cung y tế là công việc đầy thách thức.
Nepal có 0,7 bác sĩ trên 100.000 đầu người, ít hơn Ấn Độ rất nhiều. Hệ thống y tế cũng yếu kém hơn. Số ca nhiễm theo ngày của quốc gia trong tháng trước đã tăng từ 100 lên 8.000. Đất nước 30 triệu dân chỉ có khoảng 1.600 giường chăm sóc đặc biệt, ít hơn 600 máy thở.
Giống với Ấn Độ, chính phủ Nepal cho phép tổ chức các lễ hội tôn giáo, tạo ra sự kiện siêu lây nhiễm, khiến dịch bệnh lan nhanh hơn. Phương tiện truyền thông cáo buộc chính phủ đã thực hiện các giao dịch vaccine với Viện Huyết thanh Ấn Độ thông qua những công ty trung gian để đổi lấy khoản hoa hồng kếch xù. Hầu hết bệnh viện do nhà nước điều hành đều hoạt động quá mức. Những người nghèo hơn không đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân.
"Giống như chúng ta đang ở vùng chiến sự vậy", tiến sĩ Sher Bahadur Pun, trưởng đơn vị nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Sukraraj, nhận định. Ông cho biết nhiều bệnh nhân được điều trị ngay trên sàn hoặc ngoài sân. Trước dấu hiệu khủng hoảng rõ rệt, Bộ Y tế Nepal tuần trước thừa nhận đang mất kiểm soát với dịch bệnh.
Thục Linh (Theo Guardian)