"Chúng tôi sắp hết oxy, chỉ còn một vài bình dưỡng khí. Sau 10 phút, lượng oxy cũng sẽ hết và chúng tôi lại rơi vào khủng hoảng ", Sudhanshu Bankata, giám đốc điều hành Bệnh viện Batra ở New Delhi, cho biết vào chiều 1/5.
Tiến sĩ Bankata đã thông báo cho các lãnh đạo thông qua ứng dụng WhatsApp. Tuy nhiên, xe chở oxy cách khá xa bệnh viện của ông.
Bệnh viện hết oxy trong hơn một giờ khiến 12 bệnh nhân tử vong, trong đó có R.K. Himthani, bác sĩ trưởng khoa Tiêu hóa. "Thật sự đau đớn. Chúng tôi để mất bệnh nhân và bác sĩ vì một điều hoàn toàn có thể tránh được", tiến sĩ Bankata nói. Ông lo ngại bệnh viện có thể lại hết oxy vào ngày 6/5.
Ngày 5/5, Ấn Độ ghi nhận 382.000 ca nhiễm mới và số ca tử vong cao kỷ lục 3.780. Sự gia tăng các ca Covid-19 khiến nhiều bệnh viện quá tải, đặc biệt là ở những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề như New Delhi.
Khi làn sóng Covid-19 thứ nhất tại Ấn Độ đạt đỉnh vào tháng 9, quốc gia này sử dụng 3.000 tấn oxy y tế mỗi ngày. Theo Saket Tiku, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất khí công nghiệp Ấn Độ, nhu cầu hiện tăng vọt. Chỉ riêng Delhi đang sử dụng khoảng 400 tấn oxy mỗi ngày.
Tuy nhiên, chính phủ và các chuyên gia cho rằng vấn đề không nằm ở khâu sản xuất mà là quá trình phân phối. Ấn Độ đang sản xuất từ 8.500 đến 9.000 tấn oxy mỗi ngày, đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Tuy nhiên, các nhà máy đều ở xa bệnh viện. Trong khi đó, oxy y tế cần được vận chuyển bằng phương tiện đặc biệt với khả năng lưu trữ và vận chuyển khí hóa lỏng ở nhiệt độ dưới 0 độ.
Có những tàu chở oxy phải đi hơn 1448 km, qua những con đường cao tốc hẹp và tắc nghẽn. Các bình dưỡng khí không được vận chuyển qua đường hàng không vì oxy là chất dễ cháy.
Chính phủ Ấn Độ tận dụng tuyến đường sắt quốc gia, với mạng lưới đường ray rộng khắp mang tên Oxygen Express. Sau khi chuyển oxy tới nơi cần dùng, tàu sẽ quay về địa điểm ban đầu cùng với các bình rỗng. Trung bình phải mất từ 10 đến 12 ngày các bình này mới trở về nhà máy. Vì vậy, không quân Ấn Độ đang hỗ trợ bằng cách chuyển các bình rỗng về nơi sản xuất.
"Áp lực đang đè nặng lên chuỗi cung ứng", ông Tiku nhận định.
Theo Siddharth Jain, giám đốc INOX Air Products, một trong những nhà sản xuất oxy y tế lớn nhất Ấn Độ, công ty đã huy động tất cả 550 xe chở oxy và 600 tài xế để cung cấp dưỡng khí cho 800 bệnh viện trên khắp Ấn Độ. Trong số 44 nhà máy của công ty, có 25 cơ sở được trang bị để làm ra 2.700 tấn oxy y tế mỗi ngày.
Air Products and Chemicals, một công ty có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ, đang gửi các thùng có thể chứa 20 tấn oxy. Ông Jain cho biết công ty INOX Air đã nhận được 6 thùng. Pháp, Đức và Anh đều đã gửi máy tạo oxy và máy thở. Mỹ gửi 1.000 bình dưỡng khí dùng cho các bệnh viện và phòng khám nhỏ, những nơi không có đường ống dẫn oxy trực tiếp đến giường bệnh nhân.
Tuy nhiên, vào đầu tuần này, nhiều bang vẫn chưa nhận được đồ tiếp tế. Hôm 4/5, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết chính phủ bắt đầu phân phối viện trợ ngay lập tức, không để lãng phí thời gian.
"Có nhiều cách để tăng nguồn cung oxy trong thời gian ngắn. Sử dụng máy lọc oxy hoặc máy tạo oxy là ví dụ, nhưng các thiết bị này có thể không được đưa đến Ấn Độ hoặc lắp đặt kịp thời. Thay vào đó, cần cải thiện khâu hậu cần, phân phối để đưa oxy về những nơi cần", Mohammad Ameel, người đứng đầu bộ phận y tế, công nghệ và đổi mới của PATH, một tổ chức y tế phi lợi nhuận, nói.
Ông Tiku đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo và Thủ tướng Narendra Modi trong các cuộc họp trực tuyến để thảo luận về việc xây dựng bệnh viện dã chiến gần các nhà máy oxy nhằm cắt giảm thời gian vận chuyển. Ông nói: "Chúng tôi đang xem xét phương án này có khả thi hay không".
Bộ Y tế cho biết khoảng 500 nhà máy oxy y tế mới sẽ được thành lập trong vòng ba tháng. Sản xuất oxy đã trở thành ưu tiên của Ấn Độ trong đợt dịch đầu tiên. Vào tháng 10/2020, chính phủ thông báo sẽ xây dựng hàng chục nhà máy oxy. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết trong số 162 dự án được phê duyệt, đến nay chỉ có 33 cơ sở được xây.
K. Srinath Reddy, chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ, một đơn vị tư vấn có trụ sở tại New Delhi, cho biết: "Dù đã có kế hoạch, các nhà máy vẫn chưa hoàn thành. Số ca mắc tăng đột biến dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống vốn không được chuẩn bị đủ".
Các cơ sở điều trị Covid-19 dã chiến được xây dựng trong đợt dịch đầu tiên đã bị dỡ bỏ. Khi virus bùng phát trở lại, giới chức đã chậm trễ trong việc nắm bắt tình hình và đưa ra hướng dẫn. Ví dụ, người mắc Covid-19 vẫn phải xuất trình kết quả xét nghiệm dương tính mới được nhập viện và các hướng dẫn chăm sóc tại nhà chỉ mới được ban hành gần đây. Reddy nhận xét: "Bệnh nhân không được hỗ trợ tại nhà, vì vậy khi bệnh tình của họ chuyển nặng, nhu cầu oxy lại tăng lên".
Mai Dung (Theo WSJ)