Tuyến đường sắt nhẹ nối Thủ Thiêm (TP HCM) với sân bay Long Thành (Đồng Nai) dài 38 km sẽ được xây dựng với tổng đầu tư dự kiến 40.500 tỷ đồng. Tuyến đường sắt này nằm trong danh mục các dự án quốc gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất. Dự án này cũng đã được đưa vào quy hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đánh giá về thiết kế của tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và số vốn đầu tư dự kiến, nhiều độc giả đặt dấu hỏi về hiệu quả sử dụng:
Đồng quan điểm, bạn đọc Thành thật phân tích: "Tôi sống tại Long Thành, cách sân bay 8 km. Ai muốn đi TP HCM nhanh nhất thì đi cao tốc bằng ôtô, khoảng cách 22 km sẽ tới trung tâm Quận 1. Ngược lại, 80% người dân đi xe máy với quãng đường 45 km mới tới được Sài Gòn...Với số vốn 40.500 tỷ đồng dự tính xây đường sắt TP HCM - Long Thành, theo tôi dư sức làm đường bộ song song đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây để nối vào sân bay Long Thành cho cả xe ôtô và xe máy lưu thông. Phương án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều so với đường sắt nhẹ. Thêm nữa, metro của Việt Nam hiện tại cũng chạy trên thanh ray sắt giống đường sắt nhẹ. Vậy nó có quá khác biệt không?".
"Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hiện giờ cũng gần như bỏ không, mỗi ngày chỉ chạy đôi tàu với dăm ba hành khách. Thực tế, với những tuyến liên tỉnh ngắn như thế này thì đường bộ sẽ thuận tiện hơn nhiều. Không lẽ chúng ta bỏ số tiền lớn để đầu tư rồi lại nói không hiệu quả do nhiều yếu tố khách quan?", độc giả Tran Anh Toan bổ sung thêm.
>> Đường sắt cao tốc giúp tránh lãng phí 10 năm thanh xuân
Trong khi đó, ủng hộ phương án xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, bạn đọc Anvnguyen21 nhận định: "Ở đây, chúng ta cần hướng tới đa dạng hình thức di chuyển vào trung tâm TP HCM. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ cũng rất quan trọng khác đó là giảm thiểu tối đa lượng phương tiện cá nhân vào nội đô. Cứ tưởng tượng nếu xe cá nhân cứ ngày một tăng lên thì chúng ta phải xây bao nhiêu đường bộ cho đủ? Bên cạnh đó, việc xây Metro nối vào trung tâm thành phố cũng sẽ tạo bộ mặt hiện đại hơn cho TP HCM".
Cùng chung quan điểm, độc giả Haquangr chỉ ra những điểm yếu cố hữu của đường bộ, không thể thay thế được đường sắt: "Đây là chi phí đầu tư đã bao gồm cả phương tiện. Đó là đặc thù của đường sắt, đòi hỏi tính đồng bộ rất cao, từ hạ tầng phương tiện và thiết bị hoạt động. Tiền đầu tư lớn, nhưng bù lại là chúng ta sẽ có năng lực vận chuyển lớn hơn gấp nhiều lần đường bộ. Đây chính là điểm yếu cố hữu của đường bộ".
Đó cũng là ý kiến của bạn đọc Trieu Tran: "Vấn đề không phải chỉ chở khách mà còn là vận chuyển hàng hóa nữa. Đầu tư đường sắt có thể tốn kém lúc ban đầu, nhưng chi phí vận chuyển hàng hóa chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều so với đường bộ. Do đó, xét về lâu dài, đường sắt sẽ đem lại nhiều cái lợi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.