Luật sư Khanh Huỳnh, hiện sống tại Mỹ, chia sẻ bài viết về hợp đồng tiền hôn nhân:
Cách đây ít lâu tôi có đọc trên diễn đàn một bài xin lời khuyên của một người phụ nữ Việt sắp lấy chồng Việt kiều. Chồng Việt kiều này có vẻ giàu có nên anh ta yêu cầu ký hợp đồng tiền hôn nhân, trong đó chị vợ sẽ đồng ý là các tài sản có trước hôn nhân sẽ thuộc về chồng nếu có ly dị. Chị vợ phản ứng dữ dội với lý do "Sao không tin tưởng tôi, bộ nghĩ tôi đào mỏ chắc".
Kể cũng buồn cười, nếu thực sự là không đào mỏ thì chị ta sẽ đồng ý một cái hợp đồng tiền hôn nhân như thế.
Khi nói về hợp đồng tiền hôn nhân, người ta hay nghĩ tới các nhân vật nổi tiếng cùng những vụ ly hôn đình đám. Trong các vụ ly hôn này, hợp đồng tiền hôn nhân thường chỉ có khi hôn nhân diễn ra lúc ít nhất một trong hai người đã giàu to.
>> Vợ chồng tiền ai nấy giữ - được nhiều hơn mất
Những trường hợp khác, vợ chồng kết hôn khi còn nghèo nên không có hợp đồng hôn nhân. Rồi họ phất lên và ly hôn, khi đó việc phân chia tài sản mới trở thành mục tiêu bàn tán.
Người Việt thường nhìn những bản hợp đồng tiền hôn nhân với thái độ tương tự khi họ nhìn lối thoát hiểm và những căn nhà ống. Thái độ đó được tóm gọn trong một câu "Đừng có nói gở".
Thật ra thì khi nhìn vào các vụ ly dị đình đám người ta sẽ thấy cả những cuộc ly hôn có và không có hợp đồng tiền hôn nhân. Còn những cuộc hôn nhân có hợp đồng nhưng không ly dị đâu có trở thành đề tài bàn tán.
Nói cách khác, việc lập hợp đồng tiền hôn nhân không liên quan tới việc có ly hôn hay không. Nó cũng không có liên quan tới việc hai bên có tin tưởng nhau hay không. Nó chỉ là một lối thoát hiểm, nên được xây và để đấy. Khi "cháy nổ" xảy ra thì có lối thoát hiểm cũng là một cái hay, nhưng lối thoát hiểm thì chưa bao giờ là nguyên nhân gây cháy nổ.
Dần dà, các cặp vợ chồng có chút điều kiện đều có thể nhận ra lợi ích của hợp đồng tiền hôn nhân. Cho dù bước vào hôn nhân không có nhiều tiền nhưng theo thời gian thì người ta sẽ có thêm tiền nếu chăm chỉ làm ăn. Song song đó là khả năng hôn nhân sẽ gặp khó khăn và ly dị đôi khi trở nên cần thiết. Nếu hợp đồng hôn nhân có sẵn, cặp đôi sẽ đỡ phải tốn tiền cho luật sư, đỡ phải đi lại hầu tòa lần này sang lần khác.
>> 'Lương 10 triệu khó lấy vợ, trăm triệu khó kiếm chồng'
Hợp đồng tiền hôn nhân còn giúp người ly dị tránh bớt lời gièm pha của người đời. Như trong vụ ly dị đình đám nhất Việt Nam với câu nói "Tiền nhiều để làm gì?" chẳng hạn, mọi thứ trở nên một vụ scandal rất thu hút chỉ vì hai bên tranh chấp tài sản với nhau.
Cuộc hôn nhân đấy bắt đầu từ thưở hàn vi, khi mà hợp đồng tiền hôn nhân hãy còn rất xa lạ. Vì vậy ta không thể nói rằng nhẽ ra họ nên lập hợp đồng tiền hôn nhân. Nhưng vụ ly dị này vẫn cho thấy rõ tầm quan trọng của hợp đồng tiền hôn nhân: Nếu có thì đã không xảy ra tranh cãi ở tòa, thậm chí lôi cả những chuyện không liên quan của nhau ra nói tại tòa.
Những thỏa thuận trước hôn nhân có tác dụng bảo vệ người trong cuộc khi hôn nhân chấm dứt. Bị người đời cười chê là một trong những lý do khiến người ta chần chừ với ly hôn, nhưng đã quyết ly hôn mà còn bị người đời tới xem việc mình chia của cải, tranh chấp con cái, tố cáo mọi cái xấu của nhau để mong đem về chút tiền cho mình... thì rất khổ sở.
Các cặp đôi cho dù lấy nhau trong nghèo khó thì cũng có thể ký một cái hợp đồng đơn giản như là "có ly dị thì chia đôi" thì mọi thứ cũng dễ hơn nếu hôn nhân rạn nứt.
Dù không phải là người nổi tiếng thì khi ly dị ai cũng phải ra tòa, phải tranh cãi và phải chịu đựng cái nhìn của những người chung quanh. Hợp đồng tiền hôn nhân cũng chỉ là một tấm bạt che để người trong cuộc có chút riêng tư khi đang phải trải qua khó khăn. Chứ vợ chồng đánh nhau mà thiên hạ còn kéo tới xem nữa thì khổ lắm.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.