Tôi có thằng cháu trai năm nay 27 tuổi. Lần nào về thăm quê họ hàng ai cũng hối thúc chuyện lấy vợ. Nhưng đứa cháu bảo làm công nhân, lương trên dưới chục triệu, chẳng đủ tiêu thì sao dám lấy vợ. Chừng ấy tiền ở đất Biên Hoà (Đồng Nai) thì chỉ dám quen bạn gái chứ chưa dám cưới.
Quen bạn gái, cuối tuần đi ăn uống, xem phim, thì mức lương đó vẫn thoải mái nếu ngày thường tiết kiệm. Còn lập gia đình thì chưa dám. Bởi có vợ có chồng rồi thì hàng tháng phải chi tiêu nhiều thứ, không dễ dàng như cuộc sống độc thân. "Ráng làm vài năm nữa kiếm chút vốn rồi về quê, chăn nuôi trồng trọt gì đó mới dám lấy vợ, chỉ mong kiếm được vợ giáo viên cùng quê cho ổn định". Đứa cháu nói.
>> Tôi e ngại những cô gái độc thân tuổi 30
Câu chuyện bình đẳng nam nữ còn là chuyện xa vời, khi cái vị trí trụ cột gia đình vẫn là đàn ông. Xưa nay, người ta tuy không nói ra nhưng thái độ thì xem thường đàn ông kiếm tiền ít hơn vợ. Rồi bị dán cái nhãn "núp váy vợ".
Các cô gái cũng vậy, hẹn hò là một chuyện nhưng để tiến tới hôn nhân thì thường nhìn vào gia cảnh cũng như năng lực kiếm tiền của người chồng tương lai. Bởi thế, nhiều chàng trai ấm ức, không hiểu vì sao mình bị "đá" bởi cô gái nói: "Anh rất tốt, nhưng em rất tiếc, chúng mình không hợp nhau". Thay vì ấm ức thì nên ngầm hiểu là anh chàng kia kiếm nhiều tiền hơn mình.
Lại nói về phụ nữ thành đạt, kiếm dăm bảy chục triệu, trăm triệu một tháng thường khó kiếm chồng. Sở dĩ tôi nói là "kiếm chồng" vì "lấy chồng" thì dễ thôi, nhắm mắt thì cũng lấy được. Nhưng thường các cô leo đến vị trí đó, thì một là cầu toàn, hay là khó tính.
Bởi cái mục tiêu lấy chồng để nhờ vả (thân gái mười hai bến nước, quan niệm xưa) các cô đã tự làm được, thì cần gì phải đèo bồng thêm "cái của nợ" là chồng con? Nếu các cô "chảnh" một chút thì sẽ chọn lối sống độc thân luôn.
>> Hội bạn gái 'không xấu, không vô duyên, không lấy được chồng'
Còn nếu các cô muốn lấy chồng, thì cũng rơi vào thế khó. Muốn tìm người đồng vế, thì đàn ông lương trăm triệu, tại sao phải lấy vợ giỏi bằng, để mình ngang kèo? Làm sao "dạy vợ" từ thuở ban sơ mới về được đây? Trong khi đàn ông lương kém hơn, thì cũng e ngại bị đè đầu cưỡi cổ. Mang tiếng bám váy vợ. Đằng nào cũng khó.
Những điều tôi nói, là rút kết kinh nghiệm từ cuộc sống, và nó không hiếm. Vậy nên, muốn nam nữ bình quyền, đòi chồng làm việc nhà, san sẻ việc nội trợ, vợ phải chia sẻ khó khăn với chồng... thì phải bình đẳng đúng trọng tâm vào chỗ: Thay đổi tư duy về tài chính trong đời sống gia đình. Vì kinh tế quyết định tất cả.
Bạn không thể lấy chồng giàu, kiếm tiền giỏi để nhờ vả rồi than chồng không san sẻ việc bếp núc. Cùng như không thể kiếm tiền nhiều hơn để lo cho gia đình mà bị chồng "quản lý".
Lê Trung Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.