"Vừa ký đơn ly hôn xong, cả hai sắp được giải thoát, khỏi nhìn thấy nhau mỗi ngày". Bạn tôi gửi ảnh chụp đơn ly hôn và nhắn như thế. Cả đám bạn sửng sốt khi cuộc hôn nhân được xem là thần tiên lại có kết quả như vậy chỉ sau vài năm về chung nhà. Chúng tôi học chung lớp đại học, chứng kiến đôi bạn làm quen, hẹn hò, yêu nhau rồi tiến tới hôn nhân như thế nào. Những khó khăn của tuổi trẻ có thể vượt qua được nhưng đến lúc hơi vững vàng lại chợt chia xa.
Tôi khá thân thiết với cô bạn nên sớm biết chuyện này kiểu gì rồi cũng xảy ra. Bởi bấy lâu nay hai vợ chồng bạn sống cùng nhà nhưng ngủ riêng. Tạm gọi là ly thân chờ ly hôn. Bạn tâm sự nói lúc yêu nhau thì con mắt bị lu mờ, chỉ nhìn vào điểm tốt, vẻ đẹp của đối phương mà bỏ qua tất cả. Nhưng khi về chung nhà, ăn ở với nhau hằng ngày, lại chỉ nhìn ra điểm xấu của đối phương mà thôi. Nghĩ rằng đang sống trong cuộc hôn nhân tồi tệ, lại phát hiện chồng ngoại tình là giọt nước tràn ly, bạn tôi đã dứt khoác ly hôn như vừa kể.
Nhiều người thắc mắc, tại sao ngày xưa các cụ thường tiến tới hôn nhân qua con đường mai mối nhưng vẫn duy trì cuộc sống gia đình, thậm chí yêu thương nhau dài lâu. Trong khi ngày nay, nhiều bạn trẻ được tự do lựa chọn người bạn đời, có tình yêu thắm thiết ban đầu nhưng rốt cuộc hôn nhân lại đi vào ngõ cụt sau vài năm về chung nhà.
Rồi họ đặt ra câu hỏi: Tình yêu xuất hiện sau hay trước sẽ khiến hôn nhân bền chặt. Thật ra, với hoàn cảnh và thời gian sống của các cụ ngày xưa không có nhiều sự lựa chọn. Trai làng này thường lấy vợ trong làng hoặc xa lắm là làng bên, thông qua sự mai mối của người quen, kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.
Hôn nhân kiểu như vậy không xây dựng trên nền tảng tình yêu lứa đôi. Nhưng thường, nó sẽ nảy sinh sau một thời gian dài chung sống, đặc biệt khi những đứa con ra đời. Thường sẽ nhận được nhiều sự cảm thông từ cả hai phía hơn vì trách nhiệm gánh vác gia đình là của chung. Mặc khác, nếu người chồng hoặc người vợ không ý thức được điều trên khiến cả hai không hoà thuận, chồng sáng say chiều xỉn, đập phá đồ đạc và đánh vợ con là chuyện phải xảy ra, nhưng ít khi người vợ dám nói lời ly hôn.
Nhưng ngày nay, người ta ít thấy sự thông cảm và chịu đựng từ cả hai phía trong hôn nhân nữa. Con số về tỷ lệ ly hôn trong cuộc điều tra dân số 2019 cho thấy điều này. Tuy tỷ lệ ly hôn thấp, nhưng nó đang có xu hướng tăng lên sau 10 năm. Năm 2009 là 1% thì năm 2019 là 1,8%. Trong đó, tỷ lệ ly hôn có sự khác biệt theo giới tính và khu vực thành thị, nông thôn: Tỷ lệ ly hôn của nữ giới cao hơn nam giới (2,1% so với 1,4%), khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (2,1% so với 1,6%).
Như vậy, có thể thấy, nữ giới ngày nay đã quyết liệt hơn trong hôn nhân, đặc biệt là khu vực thành thị, nơi có nhiều chị em có học vấn cao, thành đạt trong cuộc sống. Họ không còn xu hướng chịu đựng, nhẫn nhục để cho "trong ấm ngoài êm", và họ cũng không còn sợ mang tiếng gái qua một lần đò như thế hệ bà, mẹ trước đó nữa.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.