Những sai phạm nghiêm trọng về điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc Gia 2018 tại Hà Giang và Sơn La đã khiến cho dư luận bàng hoàng và bức xúc. Nhiều ý kiến được nêu ra nhằm thay đổi kỳ thi này, thậm chí có người còn đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức thi THPT Quốc gia hay không?
Bỏ thi tốt nghiệp THPT?
Rất nhiều ý kiến đồng tình không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp khi mà tỉ lệ đậu của kỳ thi này lên tới gần 100%. Tuy nhiên, Luật giáo dục hiện nay vẫn quy định, học sinh cần phải tham gia một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp. Việc bỏ thi tốt nghiệp cần phải sửa luật Giáo dục và việc đó phải được Quốc hội thông qua.
Về lâu dài, ý kiến của tôi cũng đồng tình việc xét tốt nghiệp nên giao cho các Sở ngành địa phương, thậm chí giao cho các trường THPT. Cho các trường ĐH tự tổ chức thi, tự ra đề và tuyển sinh. Thực ra, điều này đã được áp dụng cách đây hơn 20 năm. Khi đó, mỗi trường ĐH trở thành một cái lò luyện thi và thí sinh muốn đậu vào trường nào phải tìm và luyện thi bằng được thầy ra đề của trường đó.
Trước kỳ thi vài tháng, sĩ tử ở các tỉnh đổ về thành phố lớn luyện thi cấp tốc. Tình trạng vô cùng bát nháo, thậm chí có nơi mở lò luyện thi để lừa tiền thí sinh. Chưa kể hiện tượng đăng ký ảo (đăng ký mà không thi) khiến cho các trường tốn kém rất nhiều chi phí. Chính vì vậy, Bộ mới đề ra hình thức thi 3 chung những năm sau đó và thi THPT Quốc gia như năm gần đây.
Có nên duy trì kỳ thi THPT Quốc gia?
Rõ ràng năm nay đã có những sai phạm nhưng không thể phủ nhận mặt tích cực mà kỳ thi mang lại. Thí sinh không cần phải tham gia cả hai kỳ thi: Tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH như trước. Nhà nước cũng tiết kiệm một khoảng chi phí đáng kể nhờ gộp hai kỳ thi này. Các thí sinh ở tỉnh có thể thi ngay tại địa phương của mình, không cần đổ về những thành phố lớn, giảm chi phí và căng thẳng cho phụ huynh và thí sinh.
Nên cải tiến kỳ thi THPT như thế nào?
Vẫn nên giữ lại kỳ thi THPT Quốc gia nhưng phải có sự thay đổi. Tôi nhận thấy năm 2016 là năm kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức tốt nhất. Bộ đã thành lập hơn 70 cụm thi trên cả nước và tất cả đều do các trường ĐH lớn chủ trì.
Mỗi tỉnh thành đều có ít nhất một cụm thi nên các thí sinh vẫn được thi ngay tại địa phương của mình mà không cần di chuyển. Do khâu coi thi và chấm thi đều do các trường ĐH lớn, có uy tín chủ trì nên kỳ thi khá nghiêm túc và công bằng.
Đáng tiếc, sang năm 2017, Bộ lại giao kỳ thi về cho các địa phương chủ trì và đó là mấu chốt xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong năm nay. Sang năm, Bộ nên giao kỳ thi trở lại cho các trường ĐH lớn giống năm 2016, đồng thời cải tiến quy trình chặt chẽ ở tất cả các khâu ra đề, coi thi và chấm thi.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.