Quyết định được đưa ra ngày 18/2 đồng nghĩa các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí ở Australia không thể đăng tin tức lên trang Facebook của họ. Trong khi đó, người dùng nước này không thể chia sẻ và xem tin bài, kể cả trong nước và quốc tế trên Facebook. Người dùng Facebook trên toàn thế giới cũng không thể chia sẻ hoặc xem tin bài từ các nhà xuất bản Australia.
Đại diện mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết động thái này là nhằm phản đối việc Quốc hội Australia đang xem xét thông qua dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ này.
Từ giữa năm 2020, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg đề xuất "bộ quy tắc ứng xử bắt buộc", điều chỉnh quan hệ giữa ngành truyền thông đang gặp khó khăn và các công ty công nghệ, sau 18 tháng hai bên đàm phán không mang lại kết quả.
Ngoài việc phải trả phí sử dụng nội dung, bộ quy tắc quy định các vấn đề như quyền truy cập dữ liệu người dùng, tính minh bạch của thuật toán và xếp hạng nội dung trong kết quả tìm kiếm và nguồn cấp tin của các nền tảng. Quy tắc này dự kiến nhắm tới bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào sử dụng nội dung tin tức ở Australia, nhưng bước đầu tập trung vào Facebook và Google, hai công ty giàu có và quyền lực nhất thế giới.
Facebook phản đối mạnh mẽ, coi đây là "dự luật phi logic". Còn Google cũng sử dụng trang chủ của họ tại Australia để cảnh báo người dùng địa phương rằng quy định này sẽ gây tổn hại khả năng tìm kiếm của họ.
"Dự luật được đề xuất ở Australia không công nhận bản chất cơ bản trong mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và các nhà xuất bản. Facebook không ăn cắp nội dung tin tức. Chính các nhà xuất bản chọn chia sẻ câu chuyện của họ trên Facebook", Campbell Brown, Phó chủ tịch đối tác tin tức toàn cầu của Facebook, viết trên blog.
Trước quyết định mới nhất của Facebook, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng việc mạng xã hội này thể hiện sức mạnh của mình chỉ càng "xác nhận lo ngại của nhiều quốc gia rằng các công ty Big Tech đang quyền lực hơn cả chính phủ và các quy tắc không thể được áp dụng lên họ".
"Hành động hủy kết bạn với Australia của Facebook hôm nay - cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp - là sự ngạo mạn và đáng thất vọng. Họ có thể đang thay đổi thế giới, nhưng không có nghĩa họ điều hành thế giới", Morrison viết trên Facebook.
Lệnh cấm của Facebook lập tức tác động đến một số tài khoản dịch vụ khẩn cấp ở Australia khi các trang này không thể chia sẻ tin tức liên quan tới diễn biến Covid-19, cháy rừng, lốc xoáy... Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley xác nhận họ bị ảnh hưởng do Facebook hạn chế đăng tin, đồng thời kêu gọi người dân truy cập website thay vì vào Facebook.
Một loạt bộ trưởng khác của nước này cũng đánh giá động thái của Facebook "quá nặng tay" và là "một cuộc tấn công" vào nền dân chủ và sẽ làm tổn hại danh tiếng của công ty.
Trong khi Facebook duy trì quan điểm cứng rắn, ngày 17/2, Google cho biết đã thống nhất chia sẻ doanh thu với News Corp để tiếp tục hiển thị đường link tin tức của tập đoàn truyền thông này trên dịch vụ của mình. Trước đó, Google cũng đạt thỏa thuận tương tự với hai tập đoàn truyền thông lớn khác của Australia là Seven West và Nine, và đang tiếp tục làm việc với đại diện AFP và AP tại nước này.
Các nhà quản lý Australia cho rằng dự luật là cần thiết để "san bằng sân chơi, tạo ra một môi trường truyền thông bền vững hơn". Theo thống kê của Dự án Lập bản đồ Tòa soạn Australia, từ tháng 1/2019, hơn 200 tòa soạn báo nước này phải cắt giảm, ngừng hoạt động hoặc đóng cửa do không thể cạnh trạnh được với các nền tảng mạng xã hội trong lĩnh vực quảng cáo. Cuộc khủng hoảng báo chí được cho là đang càng thêm trầm trọng vì đại dịch Covid-19.